CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

6/1/11

Ý kiến của tôi (Lê Hữu Điển) về blog mới

- Khi đã tìm hiểu blog mới của hoak20bkhn, tôi thấy rất hay và phù hợp với ý tưởng của diễn đàn gắn kết giữa chúng mình,... Phần thưởng này giành cho BLL và NXH,...

- Vốn ít quan tâm đến "văn hóa đọc/văn chương"; nhưng từ khi có blog hoak20bkhn thì ngày nào cũng vào xem các bạn khác viết, trao đổi,... thấy mình có thêm nhiều thứ, có các bạn một thời cùng học bên nhau, và cái văn hóa đọc đã ngấm vào cùng với tình bạn thanh cao của lớp cũ,... lehuudien

Chia buồn

Chia buồn với anh Trần Đức Trung . Thân sinh anh Trần Đức Trung qua đời, lễ viếng bắt đầu từ 17h30 ngày 05/01/2011 tại nhà riêng Cầu Diễn. Kính báo.
Chúng ta chân thành chia buồn cùng gia quyến anh Trung

5/1/11

OK blog mới

Tôi đồng tình với cách của Xuân Hưng.
Tôi cũng tham khảo mấy chuyên gia web, được khuyên dùng blog tiện hơn. Việc mở website và quản lý nó phiền phức lắm. Quốc Trung.

4/1/11

Tôi (NXH) thiết kế blog mới, miễn phí, đang chạy thử

Tôi đã thiết kế một blog mới trên cơ sở dịch vụ miễn phí của Gmail. Do là blog Yahoo nhiều lỗi, không ổn định (khách quan) nên nhiều blogger dùng bolgspot hoặc wordpress, chỉ có dân tuổi teen là dùng yahoo.
Tên miền: k20h.blogspot.com (bấm vào đây để xem)
Đăng nhập (góc trên bên phải): khi trang đăng nhập bật ra, ô email chỉ việc điền Tên: hoak20bkhn (như cũ) với mật mã như cũ.
Như vậy, thay cho tài khoản yahoo cũ, tôi đã thiết lập một tài khoản Gmail có tên như cũ là hoak20bkhn, với pass như cũ để dễ nhớ, dễ thao tác.
ưu điểm của blog của Gmail là dễ tuỳ biến, dễ thao tác, nhiều tác vụ có sẵn. Trong quá trình dùng blog, ta tìm hiểu thêm.
Nếu các bạn thấy dùng tốt, thì ta cũng nên dùng cái này.
Chỉ có một ghi chú nhỏ, khi đăng bài mới, bạn hãy vào phần Chỉnh sửa HTML, đừng vào phần "Viết", tôi đã để hướng dẫn rõ, làm như vậy thì trang chủ sẽ hiện ra dạng ngắn, rồi có phần đọc tiếp, trông giống web hơn là blog, có vẻ chuyên nghiệp hơn.

3/1/11

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG

Tôi có ý định viết về những ngày đầu nhập trường (28/11/1975). Mặc dù thời đó đã quá xa nhưng hy vọng mọi người sẽ cùng chung tay góp trí nhớ. Hy vọng sẽ là tài sản chung của HOA K20 BKHN.
(Trên đây là của bạn nào đó tôi chuyển sang blog này. Đến đây tôi viết tiếp như sau) Liên kết đến trang blog Yahoo cũ, TẠI ĐÂY Ngoài ra, bạn nên viết riêng mỗi bài thành 1 bài mới (mở mục "Viết bài mới" khi viết blog, chứ không nên làm thành 1 bình luận (comment, ở blog này dùng từ "Nhận xét") và như vậy mới viết dài được.

Bài quá nhiều bình luận, nên không thể chuyển lên đây được, tôi đưa ra đường dẫn để các bạn vào (http://vn.360plus.yahoo.com/hoak20bkhn/article?mid=392), hoặc bấm vào liên kết phần đầu (chữ TẠI ĐÂY)
Nhắc lại, tốt nhất là mỗi khi bạn muốn viết về một kỷ niệm, bạn nên viết 1 bài mới, mở hẳn một bài độc lập, đừng cho nó là 1 bình luận (nhận xét), như vậy thì mỗi bài của bạn có thể có nhiều bình luận về 1 vấn đề, và có thể viết dài. Ví dụ bài viết về thày giáo, lại có thể có nhiều góp ý, bài viết về cắt tóc, cũng có nhiều bình luận, vân vân

Tin mới về Trần Sơn Hải

Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định phê chuẩn nhân sự UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2004-2011 như sau:
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó bí thư Tỉnh ủy, làm Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Đức Vinh, nguyên Chủ tịch UBND TP Nha Trang, làm Phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Sơn Hải, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, làm Phó chủ tịch UBND tỉnh;...

VỀ HAI CHỮ: “TẬP THỂ”

(Tôi viết để hoài niệm và tri ân những người cùng cảnh ngộ đã, đang và sẽ cùng tôi tiếp bước trên đường đời)
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, nói theo các cụ xưa là: “Chân đất mắt toét”. Từ nhỏ, không vượt qua được lòng mẹ (Ý nói không qua lũy tre làng). Những năm tôi học phổ thông, quả là chuỗi ngày gian khổ: Thiếu thốn đủ bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chăn không đủ đắp, cửa nhà xập xệ. Lại đúng lúc, bom đạn đùng đùng, hố bom, ụ pháo, hào giao thông, hầm hố ngổn ngang….Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn vượt lên tất cả để đi học,
Thủa ấy: Mũ rơm, chân đất vui vẻ đến trường. Đèn dầu, cơm độn, trường kỳ mà vui. Cả nước đánh giặc. Bạn bè đồng lứa tòng quân, khí thế rầm rập. Riêng chúng tôi, vì nhiều nguyên nhân, được ưu tiên học: Hành diện lắm, tự hào lắm lắm.
Rồi, đất nước được giải phóng, chúng tôi vượt lên tất cả để học, để ôn, để thi. Rồi chúng tôi cũng được đáp đền xứng đáng. Vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, kỳ thi đại học căng thẳng, chúng tôi đã đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Khi chia tay tuổi thơ, chia tay mái trường phổ thông đầy lưu luyến.Tôi cũng như nhiều bạn cùng trang lứa khi đó không nghĩ rằng: Cuộc đời mình từ đây gắn liền với chữ: “ TẬP THỂ”.
Thủa ấy, vùng quê nghèo tôi chỉ biết đến “Tập thể” qua những buổi làm việc theo HTX, những buổi họp bình xét công điểm, xét khen thưởng, kỷ luật v.v.. tại nhà kho, sân kho hợp tác. Hơn một chút là khu nhà “ Tập thể”, nhà tranh, vách đất, nền nhà lồi lõm của trường cấp 2 của xã (cả xã khi đó chỉ có một trường). Các thầy cô sống chan hòa, vui vẻ. Khi tôi theo học cấp 3, ra phố huyện, tôi biết thêm khu nhà “Tập thể” của Huyện ủy, Ủy ban Huyện, Huyện đội…và mấy cơ quan thuộc huyện khác. Khi đó, khái niệm “Tập thể” trong tôi có gì đó cao xa, kỳ vĩ và đầy tính nhân văn.
Khi đã là sinh viên trường ĐHBK Hà Nội, đầu tiên, tôi và các bạn Hóa K20 được xếp ở khu Đại Cồ Việt. Đó là mấy dãy nhà cấp 4, tường gạch xây, trát vữa, quét ve vàng. Mái nhà lợp ngói xi măng, xà gồ gỗ, trần cót ép. Phía trên, dọc theo tường nhà, gần sát mái có giá để đồ làm bằng tre. Giữa nhà treo mấy bóng đèn điện dây tóc chiếu sáng. Dọc theo nhà có căng 2 dây thép dùng để mắc màn và phơi đồ. Nền nhà láng vữa ba ta, có đóng những cọc tre, phía trên buộc những cây tre dài thượt dọc nhà làm giá để giát giường. Khi nằm ngủ, giát giường oằn xuống một chút, cong xuống một chút và kêu cọt kẹt một chút dưới sức nặng của những tân sinh viên. Đối với các bạn khác thì tôi không biết, thế nhưng với tôi, được ở khu nhà “ Tập thể” tại Bách Khoa thế này đã là “Oai” lắm rồi.
Người ta nói: Có an cư mới lạc nghiệp. Nhà ở thì như vậy, ăn uống thì càng không phải lo. Nhà ăn sinh viên Bách Khoa phục vụ chúng tôi rất chu đáo, nhiệt tình và thông cảm. Sau này, dù có đi bốn phương trời, cũng không thể nào quên những bữa cơm BK, không thể nào quên những “Cô” cấp dưỡng BK đã phục vụ chúng tôi trong suốt những năm học tại Trường.
Thế nhưng cái đáng quý nhất, đáng tự hào nhất là chúng tôi đã được cùng sống, cùng sinh hoạt, cùng học tập, cùng vui chơi, cùng trêu đùa, cùng chia sẻ, cùng mọi điều với một “ TẬP THỂ ”. Một tập thể mà mãi mãi về sau này, đã gắn bó máu thịt, đã chia ngọt, xẻ bùi, đã khuyến khích chúng tôi mỗi khi chúng tôi có thành tích, động viên, chia sẻ, giúp đỡ chúng tôi mỗi khi có khó khăn. Đó là: LỚP HÓA K20.
Lớp Hóa K20 chúng tôi, thật đúng là “Bốn phương hội tụ”. Già có, Trẻ có; Nam có, Nữ có; Cao có, Thấp có; Béo có, Gầy có; Đen có, Trắng có; Bộ đội có; Thương binh có; TNXP có. Công nhân có; Nông thôn có, Thành thị có; Người Kinh có, Người Tày, người Mường cũng có… Thôi thì đủ kiểu, đủ các vùng quê, đủ các âm điệu, giọng nói….Thế nhưng, chúng tôi đều giống nhau: Đều đã tốt nghiệp lớp 10; Đều cùng vào học Bách Khoa và nhất là cùng học Khoa Hóa. Chính vì vậy, sau này chúng tôi thống nhất lấy ngày 28/11hàng năm, ngày mà đa số thành viên trong tập thể của chúng tôi bước vào cuộc đời sinh viên làm ngày Truyền thống, ngày Kỷ niệm của chúng tôi.
Tốt nghiệp Bách Khoa, tạm chia tay với “TẬP THỂ HÓA K20”, chúng tôi lại gắn bó với “TẬP THỂ BỘ ĐỘI ĐƯỜNG LÂM”. Tuy thời gian ngắn ngủi, chỉ có hơn ba tháng nhưng “ Tập thể” này đã ghi nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm vui buồn, nhiều nước mắt, nhiều nụ cười, nhiều tâm tư, nhiều tâm sự cũng như nhiều “ Chiến công thầm lặng ” khác như: Mò hến, bắt trai; Cơm sống chan cát; Ca hát đêm đông; Đổi cơm sống; Uống nước chè; Be bờ chắt nước; Bánh bẻng lưỡi mèo vân vân và vân vân.
Từ “TẬP THỂ BỘ ĐỘI ĐƯỜNG LÂM” chúng tôi lại được chuyển qua “ C8B-TRƯỜNG SQPH”. Vâng, tập thể này lại tiếp tục gắn kết chúng tôi, những “ Kỹ sư Bách Khoa” được chuyển thành “ Chiến binh hóa học”. Cũng tại đây, “Tập thể” chúng tôi liên tiếp phá vỡ những kỷ lục cũ, thiết lập nên “Kỷ lục“ mới “, từng “Vang bóng một thời” như: Chất vấn giáo viên; Đá bóng ngoài mưa; Vừa đi vừa hát; Hội diễn văn nghệ; La cà quán nước; Tập bơi sông; Đòi chế độ…
(…)
Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố. Khoảng nửa cuối những năm 80, khi ấy, từng thành viên của “Đại Tập thể” HÓA K20 chúng tôi, hầu hết đã trưởng thành, đã có một nghề ổn định. Có thể chưa ưng ý, có thể chưa phù hợp hoặc cũng có thể chưa đáp ứng được so với những yêu cầu của cuộc sống hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, với những gì chúng tôi đạt được, tích lũy được khi còn học Đại học, khi ở quân ngũ đã giúp chúng tôi trở thành người có ích cho xã hội. Một lớp người “ Vừa Hồng vừa Chuyên”.
Bản thân tôi, từ khi chia tay tập thể “C8B-TRƯỜNG SQPH”, tôi “được” chuyển về đơn vị chiến đấu, vẫn trong một Tập thể. Tuy nhiên, “Tập thể” này, do từng thành viên có nhiều sự khác biệt, từng thành viên vì không cùng chung nhịp đập nên Tập thể này cũng như bao Tập thể khác cùng cảnh ngộ ít in vào trí nhớ tôi, nó chỉ như một làn gió thoảng qua, nếu có chỉ làm xào sạc lá cây?
Rồi những năm công tác, cũng sống, cùng làm việc, cùng ăn, cùng ở với Tập thể đồng nghiệp. Song, khái niệm “ Tập thể” lúc này hơi bị đổi mới, nó không được như cách hiểu, cách nghĩ, cách làm cũ của chúng tôi. Âu cũng là do cuộc sống muôn màu đã làm thay đổi nhiều khái niệm xưa. Đúng như các cụ xưa đã nói: “ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” . Cùng ăn, cùng ở, cùng …và nhiều cùng khác nhưng, Tập thể này như một ung nhọt, nó phồng phồng, tẹt tẹt. Nó lùng nhùng, nó khó chịu, nó bức bối, nhiều khi nó nóng bỏng đến mức chỉ chờ cơ hội là vỡ ra, là nổ tung?.
Trước khi lập gia đình, có người đã cảnh báo tôi: Ông chưa từng sống ở tập thể gia đình (Bây giờ gọi là khu chung cư) nên chưa thể biết: Ở tập thể, nếu vợ chồng hòa thuận, không đánh cãi chửi nhau, con cái không nghịch ngợm vân vân và vân vân, thì dưới con mắt những người láng giềng, gia đình ông sẽ là gia đình người ngoài hành tinh, gia đình xa lạ, sống không hòa đồng với tập thể. Thế đấy, khái niệm “Tập thể” bị người ta bẻ cong không thương xót như thế đó.
Giờ, tôi mới thấm thía những lời tâm sự cũ. Lúc tỉnh ra …có lẽ cũng chưa quá muộn.
Vĩ thanh
Trở lại với Đại tập thể: “HÓA K20” của chúng tôi. Sau bao tâm huyết, bao tấm lòng, bao ký ức, bao hồi tưởng, bao…và…bao. Hiện nay, chúng tôi hầu đã quy tụ những người, trước vốn “ ĐA CÙNG”, bây giờ là “TÂM HUYẾT“, là “TRÍ”, là “NHÂN” là “NGHĨA” là “TÌNH”. Cho đến nay, ở vào tuổi: “Tri thiên mệnh”, hầu hết chúng tôi không quá lo nhiều về cuộc sống, về sự nghiệp, về nhiều vấn đề khác nữa. Chính vì vậy, tập thể của chúng tôi mới lớn mạnh, mới vững chắc, mới sâu gốc, bền rễ. Đó là những lý giải, những nguyên nhân mà rất nhiều tập thể khác không có được thành công như mong đợi. Thậm chí loay hoay tìm mãi không ra?
Chúc cho “TẬP THỂ HÓA K20” vững bền mãi mãi.

Đồng tình với website HoaK20

Quốc Trung tôi cũng chật vật mãi không viết, đăng được comments. Vốn rất tậm tịt về món này nên hồi tháng 6/2010, tôi chỉ nêu ý định cho 1 cậu lính cùng cơ quan tạo giúp blog hoak20bkhn để phục vụ kỷ niệm 35năm. Không ngờ blog đó "thọ" đến tận hôm nay.
Tôi ủng hộ việc lập 1 website của HoaK20 cho tiên tiến, xứng tầm. Ai đó (Vũ Hồng, Phạm Hạnh, Xuân Hưng...) có khả năng thì giúp lớp đi. Lưu ý là cung cách quản lý thế nào dê dễ thôi, đừng rối rắm quá, để nhiều CSV có thể tham gia, bình luận, chia sẻ, trao đổi... chứ không đơn thuần chỉ xem, đọc. Không nên để website chỉ của 1 nhóm người, dễ "phân ly" lớp lắm. Ai tình nguyện xung phong sớm đi để tôi trao đổi với BLL bố trí kinh phí thực hiện ngay từ đầu năm mới nhé. Thank!

10 “điều kiện cần và đủ” cho sự nghiệp năm 2011 (thử blog)

Năm 2010 đi qua và bạn tiếc nuối không ít điều trong công việc: những lỗi sai không đáng có, những xích mích không đâu với đồng nghiệp, cơ hội thăng chức bị bỏ lỡ? Làm gì để không lặp lại những sai lầm đó và tạo bứt phá ngoạn mục trong năm 2011.

1. Đừng là kẻ mộng du
Hãy xem mỗi ngày làm việc như trong một kỳ sát hạch đòi hỏi sự tập trung cao độ. Bạn phải chắc chắn rằng mình học được điều gì đó từ đồng nghiệp và áp dụng vào thực tế công việc để tăng năng suất của mình. Những điều bạn học hỏi, chiêm nghiệm được không nhất thiết phải liên quan đến các kỹ năng, mà có thể đơn giản là cách làm việc khoa học với từng dạng đồng nghiệp khác nhau hoặc cách điều chỉnh cảm xúc hợp lý.

2. Biết được đích đến cuối cùng
Bạn cần chứng tỏ sự nổi trội của mình trong công việc – đây là cách giúp bạn ghi điểm tuyệt đối. Do đó, tiên liệu được các bước tiến trong sự nghiệp là chìa khóa dẫn đến những đột phá và niềm vui trong công việc. Hãy tranh thủ khéo léo tìm hiểu các thông tin với cấp quản lý để biết rõ con đường sắp tới của bạn sẽ là gì và đích đến là ở đâu. Điều này sẽ giúp bạn luôn giữ được ngọn lửa và niềm tin trong công việc.

3. Hiểu rõ mục tiêu chung của công ty
Đảm bảo rằng bạn hiểu rõ thành quả trong công việc của bạn đóng góp được gì vào mục tiêu chung của cả công ty. Bạn có đang ở vị trí của người tạo ra lợi nhuận (tức phònng kinh doanh), quảng bá thương hiệu (tức marketing), hay làm vui lòng khách hàng? Nắm được điều này giúp bạn cảm nhận được vị thế của mình và phấn đấu cho thành công trong công việc.

4. “Đứng thẳng” và đừng “ngả nghiêng”
Đem nguyên tắc nhất quán vào trong công việc. Cho dù bạn là lãnh đạo cấp cao hay lính lác, chân thành trong mọi việc mình đảm nhận. Trong bối cảnh cạnh tranh và nhiều “thủ thuật” trong kinh doanh, sự thành thật và đáng tin cậy của bạn sẽ giúp gieo niềm tin trong lòng sếp và đồng nghiệp – điều này có ý nghĩa rất nhiều đối với sự thăng tiến của bạn.

5. Giữ dáng
Có lẽ bạn đang thắc mắc vì sao lại điều kiện này lại có trong danh sách. Thật ra tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe khoắn sẽ giúp bạn xử trí các vấn đề công việc nhanh hơn. Hãy thử thỉnh thoảng đi bộ ra ngoài ăn trưa, tranh thủ tập vài động tác co giãn gân cốt sau hồi lâu tập trung, bạn sẽ thấy năng lượng như lúc nào cũng ở bên bạn.

6. Đừng làm “thỏ trong hang”
Không ít khi bạn phân vân theo kiểu: “công việc này hay dự án này không nằm trong phạm vi trách nhiệm của mình, mình có nên tham gia không?” mặc dù bạn rất muốn tham dự vào dự án đó. Đừng chần chờ, nếu công việc và thời gian cho phép, hãy chủ động tham gia. Bày tỏ ý kiến của bạn, và phối hợp với cấp trên để hoàn thành – kết quả mà nó mang lại có thể tốt hơn những gì bạn có thể tưởng tượng ra.

7. Làm đẹp lòng sếp
Hãy đảm bảo bạn và sếp đồng thuận trong những gì bạn làm. Chủ động báo cáo và cập nhật cho sếp những điều cần thiết nhằm bảo đảm bạn không chỉ làm đúng, làm đủ mà còn vượt hơn cả mong đợi. Đừng bao giờ tự cho rằng sếp phải mặc nhiên biết những đóng góp của bạn – không hẳn. Đừng để “mất liên lạc” với sếp dù ngày nào bạn cũng chạm mắt sếp và đừng bao giờ chờ đến lúc đánh giá giữa hoặc cuối năm mới “khoe” thành tích của mình.

8. Đừng làm “độc cô cầu bại”
Cho dù công việc của bạn tương đối độc lập, không cần đội nhóm thì bạn cũng cần hiểu rõ vai trò của các đồng nghiệp, cách thức họ xử lý công việc và giữ mối quan tâm, thái độ thân thiện cần thiết. Đừng bao giờ cố ý “chơi theo bè, về theo nhóm”, hoặc “vả lả” khách sáo vài câu gọi là giao tiếp. Bạn sẽ không biết được trong tương lai mình có cần sự giúp đỡ của họ hay không hoặc là biết đâu một trong số họ có thể sẽ là sếp của bạn sau này.

9. Phản hồi
Đừng để người khác phải chờ đợi câu trả lời của bạn quá lâu. Hãy sử dụng email để phản hồi nhanh nhất có thể, cho họ biết bạn đang làm gì, và khi nào có thể cho họ câu trả lời/ thông tin cuối cùng. Giữ liên lạc với mọi người, chuẩn bị về mặt tư tưởng và thông tin cho họ. Phản hồi là cách thức quan trọng cho người khác biết bạn quan tâm đến họ hoặc trân trọng sự giúp đỡ của họ.

10. Giải trí
Bạn làm việc hăng say, nhưng cũng phải thả lỏng và giải trí. Bạn hãy bắt đầu ngày làm việc mới với một thái độ tích cực và thoải mái. Dành thời gian cho gia đình, bạn bè, và cho bản thân mình để cân bằng cuộc sống.

Xã hội thời đó đánh giá và suy nghĩ về sinh viên,nhất là sinh viên bách khoa thế nào?

Như trên đã nói đất nước khi đó trải qua một cuộc chiến tranh dài ngoài cái khó khăn cơ bản về kinh tế hiện tượng thất học ,mất học trong chiến tranh sẽ có nhiều và không thể tránh. Đương nhiên cái thất học do chiến tranh khác với cái thất học thời đế quốc thực dân.Thiếu rất nhiều về KHKT,công nghệ.Nhiều công trình mà bây giờ ta tự làm song hồi đó cái gì cũng phải mời chuyên gia.Câu :Nhất Y ,nhì dược,tạm được Bách khoa có từ bao giờ thì không biết,song không hoàn toàn đúng ở thời kỳ đó.

Điểm thi vào bách khoa nhiều năm liền cũng là cao nhất.Chi tiết ra đến đề thi đại học cũng là của các thày bách khoa với nhiều môn.Thậm chí mãi về sau có Lò luyện thi đại học,các lớp luyện thi của các thày bách khoa cũng là đông nhất.Tỷ lệ học sinh đỗ đại học cũng cao nhất.Nói xa hơn một chút những năm cuối,khi mà xã hội còn băn khoăn có nên nhập xăng dầu để cho dân chạy xe máy hay không,rồi thì những ai có quyền đi xe máy : Đấy là sĩ quan quân đội ,giám đốc sở…và kĩ sư.Mà trường nào đào tạo ra kĩ sư thì các bạn đã biết.Trong hồi tưởng của  Trần Đức Trung ở phần đầu blok trước ngày họp lớp,có ca ngợi những cái nhất của ĐHBK suy cho cùng cũng có lí.Ngày đó Bác Phạm Văn Đồng còn đứng đầu chính phủ.Một lần đến thăm trường ĐHSP,thấy cơ sở vật chất đời sóng sinh viên ,giáo viên sư phạm khổ quá,Bác thủ tướng đã huấn thị:”chúng ta phải phấn đấu trường ra trường ,lớp ra lớp”.Câu nói này của Bác TT đã là kim chỉ nam cho nhiều trường ĐH lúc đó phấn đấu.Nhiều kỷ niệm các bạn có nói đến sự đóng góp của mình cho Hà nội:như lao động nạo vét sông Kim Ngưu ,Tô lich…Tuy nhiên đó là yêu cầu bắt buộc ,yêu cầu đóng góp của mỗi công dân Hà nội,hoặc cư trú dài ở Hà nội.Qui định này được giữ cho mãi đến năm 2004 mới bỏ(Tất nhiên về sau là đóng tiền ,với những người dưới 45 tuổi.Lúc thu ở cơ quan ,lúc thu ở phường…).Nhưng cái đáng nhớ nhất,cái mà xã hội,nhà nước yêu cầu và có sự đóng góp của thế hệ sinh viên chúng ta thì không thấy ai(hoặc chưa ai) nhắc tới: Đó là lần đổi tiền đầu tiên,sinh viên được yêu cầu đi làm công tác này.Cuộc đời nhiều khi đâu chỉ ca ngợi  những người làm nên lịch sử?Những người là chứng nhân của lịch sử cũng đáng trân trọng không nhỏ.
1)      Tham gia và thụ hưởng lần đổi tiền đầu tiên-Chấm dứt sự hoàng kim của đồng tiền “cụ mượt”(Tờ 10 đồng). Đất nước thống nhất ngay từ tiền tệ.
2)      Làm CMTND lần đầu tiên tại trường ĐHBK-Không biết có bạn nào còn  giữ CMT này?
3)      Bầu cử QHCHXHCNVN cũng đầu tiên ở ĐHBK.
4)      Những cảm thụ thật của “những tiếng leng keng chiều sớm trưa”,và cái ngày kết thúc của tàu điện bánh sắt ở Hà nôi là thế hệ chúng ta.
5)      Bách khoa có lẽ là lần đầu trong đời được xem Phim “Ba chàng ngự lâm “ phim màu ,màn ảnh rộng.Một  nguyên bản của Pháp tuyệt vời thu ở miền Nam ra.Cả nhà C2 tưởng đến vỡ rạp vì tiếng hò hét,vỗ tay…của khán giả.Bách khoa ngày đó cũng lần đầu xem các nghệ sĩ  của chế độ Sài gòn :Kim Cương biểu diễn .Khỏi nói là các bà ,các chị…khóc đấy ,cười đấy mà vẫn say sưa?( Lần đầu tiên tôi mới lờ mờ hiểu rằng:nghệ thuật đâu cần phải lên gân?).Bách khoa thời ấy người ta mới bắt đầu tìm hiểu :Nhạc nhẹ là thế nào.Cái Ô Văn Ký chả dắt theo , Ái Vân nói và minh hoạ về nhạc nhẹ,với bài :Nha trang mùa thu lại về.?
…Có thể là hết những cái lịch sử,hoặc quên vì cho nó là bình thường quá,song Kỷ niệm những ngày sinh viên chắc chắn sẽ viết tiếp những sự kiện này.
Thay cho lời kết: Ngày đó sinh viên Bách khoa là nhất,con gái các trường khác đa phần là thích yêu bách khoa.Bằng chứng không phải là những chuyến vi hành “ngọt ngào, hạnh phúc” của Kim Ngọc Đạt,Hạnh.Nguyễn Xuân Hưng…tối thứ 7(năm thứ 3 trở đi).Mươn xe đạp xuống tận trường sư pham ,nơi hết đường tàu điện từ lâu.Mà lần thực tập đầu tiên tại Hải phòng,con gái trường y Hà nội cũng thực tập , đều chết mê chết mệt mấy anh bách khoa?Hồ Anh Tuấn chắc phải nhớ?Thậm chí chi em nhân viên khách sạn Hồng bàng ,Quang Trung cũng mê tơi luôn.Bác Nguyễn Vũ Cường lúc đó là tiên phong.Với các bạn tình nguyện vào quân đội thì không nói.Những kĩ sư BK ra trường thời đó xin việc thật dễ.Dễ hơn ĐH Tổng hợp nhiều.Có thể khó là muốn gần nhà,song đã có ai ở Hà nội mà phải đi làm xa xứ đâu?…
-Cám ơn bách khoa!- Cám ơn số mệnh cho chúng ta học hoá K20 cùng nhau…Thời gian có thể phủ bụi trần lên 1 vài kỷ niệm ,song lịch sử thì mãi là lịch sử.Thế hệ 8x,9x…có thể nói chúng ta hoài cổ,song lịch sử suy cho cùng được viết cũng từ những con người bằng xương ,bằng thịt cả thôi.­-  Cám ơn blok Hoá K20 và những người có ý tưởng thành lập & quản lí blok này. Để những người trong cuộc có thể chia sẻ,nói hết những ý nghĩ thật của mình.