CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

5/7/13

Nỗi buồn tác giả.

Tản văn-Nguyễn Xuân Hưng.
Tuần qua, có ngày hội sách ở Văn Miếu- Quốc tử giám, một người bạn hỏi tôi: Anh là Nhà văn, anh chứng kiến những ngày hội văn hóa về sự đọc, anh có vui không? Ý chừng người hỏi nghĩ, tôi là nhà văn, người viết ra cuốn sách, thì thấy người ta cổ vũ cho độc giả đọc sách, tôi sẽ vui chăng? Biết nói gì đây… Thực lòng là chuyện đó không khiến cho người viết ra cuốn sách vui hay buồn hơn.
Tôi nói ngay lý do đây. Việc xuất bản được bao nhiêu cuốn sách ra thị trường hiện nay đang nằm ngoài khả năng của người viết sách. Dù cho anh là nhà văn nổi tiếng hay mới vào nghề, chỉ khác nhau ở chỗ, sách của anh được nhà xuất bản (hay nhà phát hành) trả nhuận bút bằng tiền hay bằng sách. Các nhà văn (hay người viết sách nói chung) hiện nay chia thành mấy loại: 1/ được trả nhuận bút bằng tiền 2/ được trả nhuận bút bằng sách 3/ tự in lấy sách để tặng (hoặc chơi). Trong loại 1 hoặc 2, thì nhuận bút bao giờ cũng tính bằng 10% giá bìa nhân với số lượng in. Nhà văn (hay người viết sách) không bao giờ biết nhà xuất bản (hay người phát hành) in bao nhiêu cuốn. Nên chỉ có thể tính số tối thiểu là 500 đến 1.000 cuốn mà thôi.
Như thế, người viết sách chính là kẻ bị bóc lột thậm tệ. Khi người ta nối bản sách của anh, anh không hề biết. Lợi nhuận chui vào túi người phát hành. Nhà văn Hoàng Minh Tường kể chuyện: Khi ông đang thảo luận tái bản “Thời của thánh thần” thì phố Đinh Lễ đã bán sách in lậu rồi, thế là nhà xuất bản dừng ngay chuyện thương thảo. Ông Tường ra Đinh Lễ, túi rỗng nhìn sách của mình bán tới tới, những đồng lợi nhuận ấy chui vào túi ai?
Chế độ quản lý của chúng ta đang vô tình đồng lõa cho việc bóc lột tác giả. Không ai kiểm soát nổi sách lậu. Cơ chế đẻ ra Nhà xuất bản là nơi trung gian che chắn cho Kẻ phát hành kiếm lợi. Khi Nhà xuất bản cấp phép, thì họ thu phí xuất bản một cách rẻ mạt, theo đúng quy định nhà nước, nhưng sau đó người phát hành in bao nhiêu, bán thế nào thì Nhà xuất bản cũng phủi tay luôn. Có rất ít Nhà xuất bản tự tổ chức mạng lưới phát hành riêng.
Trong luật rừng xuất bản hiện nay, tác giả không những bị bóc lột thậm tệ, mà bất lực nhìn tác phẩm của mình cho người phát hành tùy ý làm bìa, dàn trang, tô vẽ… Một nhà thơ, ông Đỗ Trung Lai, kêu lên: Tôi tự in, con tôi thiết kế, thì rất đúng ý tôi, nhưng thế thì tôi hoặc “đi ăn xin” tiền in, hoặc phải có tiền mà in sách để chơi và tặng bạn bè. Những cuốn sách dịch Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị và thơ Đỗ Trung Lai bìa cứng, có minh họa thật công phu, ông Đỗ Trung Lai tự in mới được như vậy. Nhưng ông ấy không thể kiếm tiền nhờ chuyện làm sách đẹp và nghiêm túc.
Trong thị trường thiên la địa võng xuất bản phẩm này, độc giả cũng là tầng lớp thiệt thòi, không kém tác giả. Khi người ta muốn bán sách, thì người ta tạo ra các scandal, hoặc tổ chức hội thảo ầm ĩ, hoặc chi a ít tiền phong bì cho các phóng viên ca tụng trên báo. Kết quả là quyển sách chỉ là con rối để kiếm lời. Con rối ấy làm trò giữa một đầu là tác giả, đầu kia là độc giả. Thương thay cho thị trường sách Việt Nam.
Tội trạng của thị trường sách, phải gọi cho đúng là cơ chế thị trường méo mó của nước ta gây nên. Đã thị trường thì thị trường hoàn hảo đi. Khi đó các luật về bản quyền sẽ có tác dụng, và mọi thứ minh bạch. Nhưng ngày nay, cơ chế thị trường, lại đèo cái đuôi gì gì đó vào đó, thị trường thì úm ba la, mà Nhà nước thì không thể quản lý được. Ai đả phá lập luận này của tôi đi? Tôi thách bất kỳ ai chứng minh rằng họ kiểm soát được sách lậu, nếu không thì không có phố Đinh Lễ và Nguyễn Xí. Bạn đọc có thể mua được sách rẻ, nhưng tác giả đang bị bóc lột đến xương tủy để cho một số kẻ đang làm giàu trên mồ hôi nước mắt sáng tạo của người viết sách. Trong điều kiện như vậy, dù nhà làm sách có tổ chức hội hè đình đám đến mấy, thì tác giả viết sách cũng khó có lý do gì để vui mừng.
Tuy nhiên, không vì bị bóc lột mà người viết sách ngừng viết. Đó là điều trớ trêu nhất tồn tại trên thực tế, đó là nỗi khổ của trí tuệ muôn đời. Bạn đọc ngày nay có hiểu hai mặt trắng đen ấy của cuốn sách hay không?