CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

26/1/11

Nhớ Tết 30 năm trước (1981)

1. Trước Tết.
Nếu các bạn đã đi bộ đội, thì không ai không nhớ cái Tết đầu tiên rời trường Đại học Bách khoa. Ngày 16/12/1980 đi bộ đội, đổ xuống Đường Lâm, ít lâu sau hành quân vào Văn Minh, nắn gân nhau với các chỉ huy tiểu đội, trung đội cho đến Trung đoàn, cuối cùng thì Tết cũng đến gần.
Trước Tết một tháng, tình hình quân sĩ ở Tiểu đoàn đóng quân đã lỏng lẻo lắm. Nhóm các con cháu các cụ ở khổ, chứng kiến cảnh nuôi quân sĩ tham nhũng, nên đã làm đơn kiện lên Bộ Tư lệnh Thủ đô, rồi lên Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng phải lập đoàn Thanh tra tình hình của Trung đoàn 826.
Các Trung đội có ban chỉ huy toàn là những anh học hành vớ vẩn, có anh học chỉ hết lớp 4, đại đa số là hết lớp 7. Cuối cùng, hình thành một thoả thuận ngầm giữa các trung đội với lính, thay nhau cho về cuối tuần, nhưng điểm danh 21h tối chủ nhật làm cách nào đó phải có mặt đủ.
Về Hà Nội, mà 21h chủ nhật có mặt, tức là phải ra bến Kim Mã từ 12-1 giờ chiều, chen lấn, tranh cướp thì may ra 5-6 giờ tối mới có mặt ở Sơn Tây, đi bộ 9-10km vào Văn Minh thì mất 2-3h, như vậy mất toi buổi chiểu vô ích lông nhông trên đường.
Do đó, hình thành một giao ước, cứ tối chủ nhật, thì trung đội đi “mượn” quân cho đủ số điểm danh, vì khi đó cán bộ đại đội sẽ xuống. Tất nhiên, anh nào phải đi điểm danh hộ thì sao đó về trung đội mình, báo về muộn. Anh nào về Hà Nội, như vậy là đi được qua đêm chủ nhật, sáng hôm sau tìm cách có mặt ở trung đội sớm. Và, anh nào đi về như vậy, phải có bao thuốc quà cáp chút ít cho cán bộ Trung đội.
Tôi và ông bạn khoa Luyện kim có hình thể hao hao giống nhau, nên được thoả thuận đổi điểm danh. Tuần này tôi về, anh ta đi điểm danh cho tôi, và tuần sau ngược lại. Nhớ lần đầu đi điểm danh hộ, tôi chạy lên đại đội 4, khi nghe tên anh ấy, tôi hô dõng dạc “Có”. Đại đội trưởng cầm đèn bão đi từ đầu hàng đến cuối, soi tận mặt từng anh, rồi đếm. Tim muốn nhảy khỏi lồng ngực. Rồi cũng ok cả. Sau khi điểm danh hộ, tôi chạy về trung đội, nhận là mình đi chơi về muộn. Trung đội trưởng biết rồi, cười bảo anh lên đại đội gặp Ctrưởng. Tôi chạy lên Ban chỉ huy Đại đội, đã có rất đông các anh em cùng hoàn cảnh ở đó rồi. Nhìn nhau cười. Đại đội phó ra quát nạt, càu nhàu mấy câu, nhắc nhở điều lệ, rồi cho về. Ông này cáu: Sao chỉ có việc đi chơi về đúng giờ mà khó thế?
Dạo đó, hầu như tập tành cũng vãn vãn. Có đống gạch cứ chuyển loanh quanh sân để có việc cho lính. Rồi bày ra lấy phân, trồng rau. Các đơn vị tự nấu ăn thành tự do, cán bộ nhìn thấy cũng cho qua. Chiều đến, cả đám rủ nhau ra sông Tích tắm, xách thêm cái xô, bắt trai về nấu ăn xì xụp. Công thức nồi canh là: 1 quả xu hào, 1 quả cà chua (nếu có) và trai thì thoải mái. Nồi canh ấy đủ chất dinh dưỡng, cho 2 mâm = 12 người xì xụp.
Nhưng việc ăn trai nhiều cũng gây nên hệ luỵ. Nhiều anh bị kiết lỵ phải sang nằm bệnh viện Trung đoàn. Tôi cũng bị lị a mip. Khổ thật. Trung đoàn gần 100 anh bị lị lúc đó, trước đó đã xuất viện không biết bao nhiêu. Hồi đó, bệnh xá Trung đoàn có 7 cô y tá, đều là người cùng huyện với tôi, nên tôi cũng được ưu ái thuốc thang. Gần Tết, tôi ra viện để cùng đơn vị chuẩn bị về Tết.

2. Ngày về Tết.
Có lẽ không có ngày trước Tết nào vui như giáp Tết năm ấy. Lệnh công bố được về Tết làm cho lính tráng vui như mở hội. Hôm hành quân ra địa điểm tập kết, Trung đoàn đọc lệnh phong thiếu uý, trả lại truy lĩnh toàn bộ tiền lương thiếu uý mấy tháng. Thế là tự nhiên trung túi có hơn 200 đồng, bỗng trở nên giàu có, anh nào mặt mũi cũng hớn hở.
Cả trung đoàn tập trung từ sáng sớm, đợi xe chở lần lượt về Hà Nội, nhóm chủa chúng tôi đến tối mít mịt mới đến phiên đi. Cả một ngày ngồi đợi, tâm lý thoải mái, hát hò ầm ĩ. Tôi nhớ đám Chế tạo máy có anh hát bài: Văn Minh chốn nơi đây… bịa bài “Ngựa hoang”. Rồi bịa bài “Ôn kỷ niệm chẳng buông lời thở than, một tâm khúc cho người thương cho phím đàn…”
Lúc đó, chưa biết phân công ai đi đâu, đi đâu, chỉ biết là sau khi nghỉ tết phải có mặt đúng ngày mồng 4 tết. Không biết có làn sóng ngầm nào phổ biến trong nội bộ trung đoàn, là thống nhất đúng ngày 15 tháng Giêng mới có mặt. Tất cả trung đoàn cùng bãi binh, cùng đảo ngũ thì sẽ xử thế nào? Nếu có tội gì cả trung đoàn cùng bị một tội, càng vui.
Sự thực là ngày 4 Tết vẫn có khoảng 10 anh đến đúng hạn, là những anh ở xa tít tận khu 4, đi chơi mãi lang thang thì cũng phải đến. Ngày mùng 6 có một số anh khác. Còn tôi đúng ngày 10 có mặt, khi đó đã có khoảng 60-70% quân số. Một số anh đúng ngày 15 đến, chửi bọn đến trước ầm ĩ, bảo là lũ phản bội. Năm đó, những anh đến muộn đều phải làm kiểm điểm, sau này khi ra quân, được xem hồ sơ, mới biết vẫn còn cái tờ ghi là đảo ngũ nhiều ngày, cần đề phòng tư tưởng chống đối.
Đó là chuyện sau Tết. Còn tôi có một kỷ niệm đen tối về tiền bạc. Hôm đó về đến Hà Nội đã muộn, khoảng 9-10 giờ tối gì đó, người hôi hám, cần phải tắm rửa. Nhà anh trai và chị dâu của tôi ở khu tập thể, lúc đó không ai có nhà tắm ở trong nhà, mà cả dãy nhà chung nhau một vài gian nhà tắm ở đầu nhà. Mà dãy nhà tắm đó lại không có điện, tối om om. Tôi ra nhà tắm, cởi quần áo vắt lên tường ngăn, rồi tắm, sau đó ôm quần áo về nhà. Lát sau mới nhớ ra, thì ra khi mình vắt quần áo lên, túi dốc xuống, hơn 200 đồng tiền đã rơi xuống mà mình không biết. Khi đó làm gì có ví. Biết rồi mới hoảng mang đèn chạy ra nhà tắm thì không còn gì nữa, chỉ còn sót lại đồng 5 đồng. Tôi giữ đồng 5 đồng đó mấy năm, sau bị mưa rách mất. Như vậy, toàn bộ số tiền 4 tháng truy lĩnh thiếu uý, lộc đầu tiên của quân đội, đã bay đi mất. Điều đó báo hiệu quãng thời gian thiệt thòi của tôi ở quân ngũ. Sau 4 năm, tôi ra quân không được kết nạp đảng, không lên thượng uý như các ông bạn khác.
Lại nói nhà hàng xóm của anh chị tôi, một bà chị năm đó khoảng 40, ra tắm sau tôi, chắc chắn là nhặt được tiền của tôi, nhưng sau đó chối bay chối biến. Sau này tôi còn gặp bà ta nhiều lần, lần nào tôi cũng nhìn thẳng vào mặt, nhưng bà ta toàn tránh. Hai nguyên nhân của thời gian khó khiến cho tôi mất tiền: Nhà không có nhà tắm, điện không có thắp sáng. Nhưng nguyên nhân trên hết là tính không cẩn thận của sinh viên đã ăn sâu rồi, mấy tháng quân ngũ không sao bỏ được.
Năm đó, tôi về ăn Tết buồn, tiền không có, tương lai quân đội không biết thế nào, người yêu bỏ đi với thằng khác. Đó là một cái Tết buồn đáng nhớ.


1 nhận xét:

  1. Tết đó, khi đợi xe, hình như đám khoa Hóa cũng hát, chứ đâu chỉ có đám CHế tạo máy? Năm đó, tôi lên đơn vị ngày 13 nhé

    Trả lờiXóa