Đây là bài báo viết về thày Đinh Xuân Bá, đăng báo Diễn đàn doanh nghiệp, nhân ngày 20/11/2003. Khi đó tôi (NXH) là nhà báo, làm việc tại báo Diễn đàn doanh nghiệp. Tôi trực tiếp gặp thày Bá rồi viết bài, trong bài có dẫn ý kiến Kỹ sư Lâm Văn Khang, Tiến sĩ Trần Hồng Hà, còn việc trích những dòng trong nhật ký thì chính là nhật ký của tôi.
Có một chi tiết, Tổng biên tập khi đọc bài, đoạn cuối có chuyện Khang kể thày Bá bỏ về trong một cuộc hội thảo vì bị ép nhường lượt phát biểu cho một Thứ trưởng. Tổng biên tập ngại, bảo hay là cắt đi, sợ ông Bá sẽ bị động chạm, nhưng không ngờ, sau khi đăng báo, thày Bá rất thích chi tiết đó.
Hôm nay tìm lại trên mạng, thì nó vẫn còn TẠI ĐÂY. Bài lưu trên web này có phần giữa chỉ là tóm tắt. Tuy vậy, tôi cũng post lại để các bạn xem, một bài báo tôi đăng báo cách đây 9 năm về thày Bá. Sau này, thày Bá có nói với tôi, rằng ít nhất có hàng chục bài báo viết về thày, nhưng bài tôi viết là bài thày thích nhất. Thày Bá nói thì không có chuyện xã giao.
Xin mời xem bài này:
Thầy Đinh Xuân Bá làm doanh nghiệp
Tiểu sử của ông đã được viết trong 12 ấn phẩm chuyên về tiểu sử danh nhân nổi tiếng của Mỹ, Anh, Ấn Độ (như Các danh nhân, Những người nổi tiếng trên thế giới, 500 nhà lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ mới... của Nhà xuất bản Barons, Mỹ; Từ điển danh nhân thế giới của Trung tâm Thư viện quốc tế Cambrigde, Anh Quốc; Những người nổi tiếng của vùng Ấn Độ - Đông Nam Á, Ấn Độ...), trong đó người ta đã giới thiệu ông như một nhà doanh nghiệp đi tiên phong trong thời kỳ Đổi Mới ở VN, ông lãnh đạo một doanh nghiệp được xếp vào một số ít DN có triển vọng phát triển vững chắc. Ông là Chủ tịch Công ty SECOIN, Giáo sư Đinh Xuân Bá.
Hiện nay, Secoin là một doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ và sản xuất vật liệu xây dựng. Công ty SECOIN có 3 chi nhánh ở các tỉnh, và 2 công ty con ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong đó phần vốn góp của SECOIN chiếm từ60% đến 90%, đã làm tư vấn công nghệ cho 36 nhà máy do công ty chuyển giao công nghệ, làm đại lý xuất khẩu, thu mua và nhập khẩu cho một số công ty trong và ngoài nước. Đồng thời, Cty còn làm đại lý độc quyền của 25 nhà sản xuất nước ngoài, có hàng trăm bạn hàng nước ngoài. Trong lĩnh vực sản xuất, hiện tại Công ty có 3 nhà máy là Nhà máy Gạch Terrazzo Seterra 1 (Từ Liêm, Hà Nội), Nhà máy Gạch Blôc Seterra 2 (Chương Mỹ, Hà Tây) và Cty TNHH sản xuất đá mài Secoin-EDM (Văn Lâm, Hưng Yên).
1. "Vì một DN giàu chất xám"
- Secoin được thành lập năm 1989, hầu như đồng thời với làn gió Đổi Mới, vậy ban đầu, chắc ông cũng gặp nhiều gian nan?
Kể ra nói gian nan thì nhiều, nhưng chủ yếu là phải vượt qua chính mình. Nhiều người đặt câu hỏi đang có sự nghiệp giảng dạy đại học như thế, lao vào chốn thương trường chông gai làm gì? Mình mà không vững thì... Hồi đó tôi đang làm Chủ nhiệm khoa Tin học Đại học Bách khoa, Phó chủ tịch Hội Tin học, tôi cùng với anh Phan Đình Diệu và các anh khác vận động thành lập Hội Tin học VN và đáng mừng là chủ trương của Nhà nước rất sáng suốt, đã cho phép Hội Tin học thành lập các DN, khi đó chưa có Luật Công ty, chưa có Luật DN. Secoin là 1 trong 25 DN đầu tiên của Hội, có thể nói rằng, đó cũng là "lứa" DN đầu tiên của VN thời kỳ Đổi Mới.
- Trong số đó, Secoin ban đầu chỉ là một công ty bình thường như bao nhiêu công ty khác, nhưng nó đã vươn lên, nhanh chóng lớn mạnh, thưa ông, có bí quyết gì chăng?
Tất cả ở 9 chữ khẩu hiệu của Công ty: "Tất cả vì một doanh nghiệp giàu chất xám", việc đào tạo cán bộ phải chiếm một vị trí quan trọng trong công ty, muốn vậy cán bộ lãnh đạo công ty phải luôn luôn tự đào tạo mình. Trong Cty tôi, không dùng mấy đến máy fax từ lâu rồi, chỉ khi liên hệ với các nước ở khu vực kém phát triển thôi. Tất cả đều tận dụng mạng Internet, điện thoại cũng trên mạng... Cả khi VN chưa có đường truyền Internet, Secoin đã có trang web riêng rồi. Làm chủ được phương tiện thông tin ngày nay, chúng tôi đã phải trải qua những ngày đầu khó khăn khi giá cước cao, có khi trả tiền cước rất xót, nhưng đó là xu thế. Nhờ đó mà chúng tôi luôn luôn nhìn thấy, cảm thấy, sống với nhịp sống của thị trường thế giới, và từ đó chọn đuợc lĩnh vực kinh doanh ở VN mà chưa ai làm, hoặc vượt lên hàng đầu trong lĩnh vực đó, như cách làm với sản phẩm gạch không nung, đá mài, chuyển giao các công nghệ mới...
- Hoạt động của công ty trải rộng trên khắp các lĩnh vực và vùng lãnh thổ, trên đây có thể nói như chính sách "đối nội" của công ty. Vậy "chính sách đối ngoại" là gì?
Tôi có thể trình bày triết lý kinh doanh. đầu tiên là từng bước tạo ra quan hệ cộng đồng tốt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Quan hệ ấy bao gồm quan hệ bạn hàng, quan hệ khách hàng, quan hệ với các hội nghề nghiệp và tổ chức tư vấn, với giới truyền thông, với các địa phương mà công ty có nhà máy hoặc chi nhánh, và với cơ quan công quyền.
- Song, trong kinh doanh là phải cạnh tranh, vậy quan niệm của ông về cạnh tranh?
Phải tạo cho mình một năng lực đủ mạnh trong cạnh tranh, nhưng còn phải biết dựa vào nhau, biếthợp tác với nhau, biếtchialợi ích cho nhau. Dân gian có câu:"tham ăn" thì hỏng hết mọi việc. Cũng phải biết chủ động hình thành các liên minh kinh tế mềm. Chúng tôi gọi đó là sự hội tụ lợi ích trong kinh doanh là “trò chơi hai bên cùng thắng”.SECOIN là một công ty gia đình, nó có những điểm mạnh riêng, nhưng như các công ty gia đình khác, cũng có điểm yếu. Cộng đồng kinh doanh nói trên góp phần thiết thực khắc phục các điểm yếu của một công ty gia đình.
2. Trách nhiệm công dân
Lẽ thường, tiếp xúc với các nhà DN, tôi cũng như những nhà báo khác, thường dùng hình thức hỏi đáp (phỏng vấn). Nhưng, với ông Đinh Xuân Bá, qua câu chuyện vào đề, tôi nhận ra rằng, đằng sau "chính danh" nhà doanh nghiệp, thì từ câu chuyện, lời ăn tiếng nói và cử chỉ của ông vẫn toát lên phong thái của một vị Giáo sư trên giảng đường lớn, nhân cách của một trí thức. Sẽ thật là không phải, nếu như tôi vẫn tiếp tục trình bày câu chuyện với ông dưới dạng hỏi đáp, bởi vì hầu như không phải là tôi hỏi, ông đáp. Đó là ông giảng giải và truyền đạt thì đúng hơn. Tôi ghi lại sau đây đôi điều tâm sự của ông, những điều lo lắng với tư cách công dân, những điều kiến nghị với tư cách nhà doanh nghiêp và trên hết, đó chính là nỗi lòng của một người đã cống hiến trí tuệ và làm giàu cho đất nước.
*Điều lo lắng nhất: Khoảng cách tụt hậu của nước ta dường như chưa được rút ngắn mà còn rộng thêm ra trên một số lĩnh vực, trong khi dân tộc ta có không ít người tài ! Thế giới đang biến đổi quá nhanh, nhiều khái niệm cơ bản đang được xem xét lại, nhiều thủ tục mới đang hình thành, các mặt trái của toàn cầu hoá (nhất là trên thị trường tài chính và nguồn nhân lực) đang xuất hiện và tác động nguy hiểm. Hơn lúc nào hết, cả DN và tổ chức công quyền phải nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy trí thông minh và lòng dũng cảm, với động cơ vì dân tộc mà làm hết mình để rút ngắn khoảng cách đau lòng đó lại. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ về việc xem xét lại một khái niệm tưởng rằng dễ hiểu là "doanh nghiệp". Sau vụ đổ bể của mấy tập đoàn lớn của Mỹ và sau khi xét ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái thị trường chứng khoán tới hướng đi của các tập đoàn đó, nhiều học giả muốn khẳng định lại rằng: DN không phải là cỗ máy làm ra lợi nhuận mà chủ yếu là tổ chức tạo ra công ăn việc làm và trực tiếp hoặc gián tiếp làm ra của cải, trên cơ sở đó mà có lợi nhuận.
*Điều buồn phiền nhất: Một là ta chưa có biện pháp thực sự hiệu quảhạn chế tham nhũng. Phải kiên quyết loại trừ quan điểm cho rằng "nước nào cũng có tham nhũng", rằng đó là "cuộc đấu tranh lâu dài". Hai là bộ máy công quyền khoan hãy nói tới những cái to lớn mà hãy làm từ những điều sơ đẳng về nghiệp vụ công chức, lương tâm nghề nghiệp và văn hoá công sở trong khi giao tiếp với công dân. Ba là sự bất bình đẳng của các thành phần kinh tế, ví dụ tại sao DN này chỉ chậm nộp thuế nhập khẩu vài ngày đã bị phạt nặng, còn DN khác thì chậm nộp hàng mấy năm không những không bị phạt mà còn được xoá nợ. Tình trạng bất bình đẳng tuy có giảm bớt nhưng vẫn còn diễn ra ở tất cả các cấp, nhất là cấp tỉnh-thành phố.
*Đề nghị: Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi cho các DN dân doanh có mặt bằng ổn định để sản xuất, mở cơ sở kinh doanh và làm trụ sở giao dịch. Nhà nước cho phép các DN được chủ động tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài, nhất là vốn đầu tư mạo hiểm. Cần chấn chỉnh sớm và toàn diện các cơ quan hải quan và thuế vụ ở các cửa khẩu quan trọng.
3. Người Thầy
Giáo sư Đinh Xuân Bá nếu không làm doanh nghiệp, không trở thành ông chủ của SECOIN thì vẫn có thể tự hào là người có một sự nghiệp đáng kính nể, đó là sự nghiệp trồng người. Hơn 36 năm đứng trên bục giảng của Trường Đại học Bách khoa, giảng dạy môn Toán cao cấp, lớp lớp kỹ sư đã ra đời bắt đầu từ những tiết toán cao cấp của thầy Bá. Đương nhiên là trong 5 năm học đại học, có nhiều thầy dạy môn toán, nhiều thầy dạy các môn chuyên môn, nhưng thầy Bá đã để lại ấn tượng rất sâu đậm cho những học trò của mình. Tôi đã biết rất nhiều người đã học các khoá 19; 20; 21 của Khoa Hoá, Đại học Bách khoa, nơi thầy Đinh Xuân Bá đã dạy môn toán cao cấp. Sau đây là một vài mẩu chuyện của họ:
-Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ - Môi trường, Ban Khoa giáo Trung ương: Các thầy ở trường Bách khoa hay nhấn mạnh, học đại học là học phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu tiếp cận vấn đề. Chúng mình đã may mắn được học các thầy Đinh Xuân Bá, Nguyễn Hoa Toàn, Đào Quý Chiệu... Cách dạy của các thầy ấy là dạy phương pháp tư duy đấy.
- Khi biết tôi viết về Giáo sư Đinh Xuân Bá, một học trò cũ của Giáo sư đã cho tôi xem đoạn nhật ký ghi ngày 25/4/1982, khi anh vừa mới ra trường, những nét chữ đã mờ trên trang giấy ngả vàng qua hơn 20 năm, ghi lại ấn tượng về thầy dạy toán, tôi chọn trích một vài đoạn như sau: "... mặc áo bludong xanh, không cài cúc, khiến cho ông càng có vẻ rất nghiêm túc. Ông bước vào lớp, chào mọi người và đưa mắt nhìn xuống. Im lặng mấy giây, tôi quan sát thấy gương mặt đen sạm của thầy giáo mới. Gò má ông nhô cao, khiến cho gương mặt có phần hốc hác, chỉ có đôi mắt không ăn nhập gì với vẻ mặt khắc khổ của ông: đôi mắt linh động, đen tròn và sắc sảo” (...) Chặt chẽ, rõ ràng, mạch lạc trong từng từ ngữ, ông trình bày bảng rất đẹp, chữ đều đều và dễ nhìn. Tất cả lần lần hiện ra dưới bàn tay ông rõ ràng và hợp lý như không thể nào khác. Tôi đã học môn hình giải tích và đại số hàm một cách thoải mái như đã biết ở đâu rồi vậy...
Giễu cợt sự dốt nát cũng là cách đặc biệt ở ông. Mọi người đều thấy sợ khi chứng kiến cảnh thầy đột nhiên dừng lại, tay buông xuôi, và cười. Chỉ nhìn thấy ông cười chứ không nghe thấy tiếng cười, lúc đó ánh mắt xám sắc lạnh của ông khiến cho ai cũng thấy hổ thẹn. Từ đó, chúng tôi quen với điệu cười không thành tiếng của ông, kể cả khi ông khen ngợi cũng vậy, nhưng khi đó thì ánh mắt ông ánh lên như một tia lửa nhỏ.
Dần dà, như một quyển sách, chúng tôi đọc thầy một cách chậm rãi, ông đã cho chúng tôi thấy thế giới đầy màu sắc từ trí tuệ của một nhà giáo, với vẻ đẹp tròn trặn của toán học, cái nhìn cuộc đời nhiều niềm tin và nghị lực. Chúng tôi biết ông đã phải trải qua đoạn đường gian khổ và khác người để trở thành giáo viên dạy toán. Ban đầu ông mơ trở thành kỹ sư Hoá công, nhưng rồi mới học được 2 năm, ông đã được bổ làm giáo viên dạy Toán, nên ông học khoá 2 mà ra trường sớm hơn cả khoá 1..."
-Kỹ sư Lâm Văn Khang - Ban quản lý dự án xi măng Thái Nguyên: Có lần mình đi dự một hội thảo vật liệu xây dựng, trước khi giải lao, chủ toạ thông báo sau khi nghỉ sẽ là tham luận của Giáo sư Đinh Xuân Bá ở Cty Secoin. Nhưng sau khi giải lao, người ta lại thấy giới thiệu một vị Thứ trưởng tham luận. Ông Bá đứng lên hỏi chủ toạ vì sao, chủ toạ giải thích vì đồng chí Thứ trưởng bận việc quản lý nên đồng chí ấy đọc trước... Ông Bá liền gấp tài liệu vào cặp, đĩnh đạc đứng lên và hiên ngang đi ra khỏi hội trường trước đông nghịt người. Mọi người không biết nghĩ gì, nhưng mấy đứa mình đều là học trò của thầy, bảo nhau thầy vẫn là thầy mình, kể cả khi từ giã nhà trường rồi. Đó là bài giảng của thầy về nhân cách và lòng tự trọng.
*Lời kết: Câu chuyện của Kỹ sư Khang trên đây khiến cho tôi nhớ lại có lần ông Bá đã trả lời phỏng vấn trên VTV rằng hiện nay không những cần nâng cao "dân trí" mà còn phải nâng cao "quan trí" nữa. Cách làm DN của ông Bá nhất quán với tính cách mô phạm của một nhà giáo, đó là chăm chút từng chi tiết nhỏ, làm bé mà nghĩ lớn, bước đi nhỏ mà hướng về dài lâu. Và, dường như đoạn đời nhà giáo đó được ông rất tâm đắc. Khi tôi băn khoăn đặt vấn đề phỏng vấn ông, con gái của ông đã "bày cách": "Giá mà anh là học trò của bố em thì bao giờ bố em cũng muốn gặp ngay và nói chuyện rất vui". Trong cộng đồng DN, ông có lẽ là một trường hợp độc nhất vô nhị, đi thẳng từ giảng đường đến thương trường, một tay quật lên cơ nghiệp, ngay cả trong làm DN cũng vẫn xứng đáng là một bậc thầy. Đó phải chăng là một điển hình mang cốt cách sĩ phu Bắc Hà làm doanh nghiệp.
Mai Thuận thực hiện
Việc trích đăng bài báo về thày Bá là cực kì ý nghĩa!Thực ra từ hồi xa trường tôi đọc được nhiều bài viết về thày Bá.Nhân đây cũng cung cấp thêm một số thông tin về sự nghiệp của thày Đinh Xuân Bá:
Trả lờiXóa+Thày Bá chiến tranh chống Pháp nguyên là bộ đội pháo binh.Không biết có phải năng khiếu toán học bẩm sinh hay không,mà hồi đó toàn quân đều biết đến thước đo Đinh Xuân Bá tính phần tử bắn rất có hiệu nghiệm.
+Thày Bá ,cũng như thày Thái Thanh Sơn dạy toán BK đều là võ sĩ quyền anh hạng ruồi,hay gà gì đó.?
+Ngày học,thày có kể con gái thày đi vào học chuyên toán.Thày thở dài :nói nó không nghe.Thực tế bây giờ các con của thày đều quản lí doanh nghiệp cả,thày mới có thể nghỉ...
+Cũng không hiểu sao Thày Bá còn là chuyên gia số một về Trầm hương ở Việt nam.Một bài báo đã viết :hỏi giá về trầm hương?Thày có đưa ra một cục(Tạm gọi là vậy)trầm hương ,có xuất xứ,giấy tờ hẳn hoi...mà không có cái giá trên trời ngoài thị trường.Có lẽ Kỳ nam cũng vậy.
+Còn nhiều nữa...rất tiếc trên báo viết là nhiều.Báo mạng thì rất ít nên khó thông tin hết được.Nhưng ở nhà thày chắc có đủ...
Bạn giỏi,nổi tiếng cũng đáng tự hào.Thày dạy mình giỏi và nổi tiếng thì còn tự hào gấp trăm nghìn lần.Kính chúc Thày Đinh Xuân Bá luôn khoẻ mạnh,trí tuệ của thày giành được hết cho các em(Con thày).Chúc cả các bạn hoá 20 và những người được học thày Đinh Xuân Bá sống mãi với niềm tự hào đó!
Bạn nào comment 20:20 15/11 tỏ ra rất hiểu về thày Bá. Tôi còn nhớ, thày Bá lên lớp chỉ mang một túi phấn. Khi thày giảng, nói không một câu thừa. Thày Bá trình bày bảng rất sáng, đẹp, gọn, nhưng thực ra nhìn chữ thày trên giấy thì không phải kiểu chữ đẹp.
Trả lờiXóaNhững comment này tôi copy từ trang báo đăng bài thày Bá (Diễn đàn DN). Bạn nào comment chứng tỏ đã đọc bài từ blog này, thì mới biết thày Bá biết trầm, nhưng lại sơ ý comment ở trang kia. Tôi chuyển commnet về đây, bạn 20:20 15/11 trên đây chỉ dẫn cho các bạn ấy với.
Trả lờiXóaNguyễn Công Khải 4/24/2012 9:11:30 PM
congkhai1987@gmail.com
Tôi có 1kg trầm hương, tôi muốn nhờ thầy Bá kiểm tra xem nó thuộc trầm loại mấy. Ai có số của thầy bá cho tôi xin. thanks!
nguyễn minh tân 2/15/2012 9:42:58 AM
minhtan3975@gmail.com
Tôi có hơn 1kg trầm kỳ (kỳ nam ) ai biết địa chỉ bán hoặc muốn mua liên lạc cho tôi số điện thoại 0988070554
Nguyễn Tiến THiều 12/20/2011 11:57:25 PM
ceo.thieu@gmail.com
Tôi thực sự rất thích tìm hiểu về Kỳ Nam, Ai có thể giúp Tôi, cho Tôi xin số điện thoại hoặc địa chỉ Của Giáo sư, nhà giáo ĐInh xuân Bá, Tôi xin chân thành cám ơn quý Anh, chị. xin giúp tôi gửi vào điện thoại của tôi:0973 808 808.
Không phải trang này trang kia.Một bài báo dài viết Nhiều về cơn sốt trầm hương ,kì nam có nói riêng về thày, mà tôi đã đọc!(Có lẽ nhà thày có thể lưu giữ).Tinh ý một chút những người đăng tin xin số điện thoại thày Bá là cũng đọc bài viết này.nhưng ai có quyền cung cấp SĐT của Thày Bá?Hơn nữa nhiều nhà báo viết về thiên phóng sự Kì nam mà khi tác nghiệp phải kín đáo cẩn thận như công an ...thì đã rõ.Ngay cục trầm hương(Kỳ nam) mà thày Bá đưa ra,có nguồn gốc,chất lượng...của đơn vị uỷ thác bán cũng là điều bài báo không nói tới.Rõ ràng càng nhiều tin vậy,thày càng nổi tiếng thôi.Còn tại sao thày Bá lại biết nhiều về TH,KN...thế có lẽ mãi là dấu hỏi?
Trả lờiXóa