CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

14/11/12

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG


NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG
(Tiếp theo)
        
   GỬI NHỮNG NGƯỜI BẠN NỘI TRÚ 



         1. Lòng hiếu khách
         Tôi kể lại chuyện này để chứng tỏ lòng hiếu khách của các bạn nam KTX - Hóa K20 (cả bọn chứ không riêng một ai):
         Vào một buổi chiều mùa hè. Tầng 3 KTX có khách, đó là một bạn gái ( Tên thì quên rồi?Tạm gọi là X.. Hình như em quê Chí Linh-Hải Dương; xã Nhân Huệ hay gì đó?). Một thanh nữ còn trẻ, trắng trẻo, ưa nhìn. Sau một hồi “ truy nguyên nguồn gốc”, chúng tôi được biết: Nhân một dịp đi chơi, anh C.B. gặp gỡ và trò chuyện. Sau đó cho địa chỉ. Cũng tưởng là “vui trong chốc lát”, nào ngờ em X. “cảm”  anh C.B. nên lặn lội tới thăm.

         Bình thường, khi người nhà lên chơi, tối phải nghỉ lại khu KTX. Nếu là nam giới thì quá đơn giản. Nếu là nữ giới thì chúng tôi phải sang khu B3, gặp “nữ tướng” Kim Cúc liên hệ gửi nhờ?. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt. Thậm chí rất đặc biệt nên cả bọn xin ý kiến “chỉ đạo” và nhất trí cao: Dành phòng xép đầu nhà cho khách nghỉ, chuyển KNĐ và ĐTD (chủ nhân phòng xép) sang phòng khác…
         Sau khi ăn cơm, đi chơi, nghỉ ngơi, uống nước v.v. Tầm 10 giờ đêm, cả bọn chia tay khách về ngủ. Để bảo đảm an toàn không những cho khách mà cho cả bọn (sợ bảo vệ đi kiểm tra phát hiện được thì ốm), ai đó có sáng kiến: Tắt hết điện, khóa trái cửa. Coi như không có nhà?
          Lúc đó, chúng tôi thứ nhất là còn trẻ, chưa va vấp gì. Thứ hai là cũng “dốt”, mãi sau này mới thấy là “mình ngu”. “Em” từ khi đến, ngồi chơi, ăn cơm, đi chơi…đi ngủ…đều có người kèm như kèm kem, sau lại ngủ trên tầng 3, có một cửa ra bị khóa trái. Không có lúc nào để … “giải quyết nỗi buồn” được. Thử hỏi sau hơn chục giờ đồng hồ, áp lực thiết bị, áp lực đường ống tăng lên bao nhiêu? (hiện đến giờ cũng chưa có số liệu  thống kê cụ thể). May thiết bị chưa bị nổ tung? Hỏi những bạn có liên quan khi ấy. Bây giờ nghĩ sao?
Sau đận ấy, không thấy “phản hồi” gì cả?. Chẳng biết có phải do hãi quá mà “chạy mất dép” hay không?
        2. Lòng nhân từ
          Cũng thời gian ở tầng 3 nhà B7, có một chuyện xảy ra có liên quan đến “Lòng nhân từ”. Chuyện là thế này:
          Tầm 9 giờ tối, cả bọn đang học thì bỗng nghe thấy ầm ĩ. Có một  trung niên hớt hơ hớt hải chạy lên tầng 3, vào phòng đầu tiên nhờ tá túc. Phía sau, rất nhiều SV rầm rập đuổi theo. Nhận thấy nguy cơ “vỡ trận”, phòng lập tức chốt cửa, thậm chí còn chốt cả cửa sổ. Đám đông làm ầm bên ngoài, đập cửa, la ó, hò hét, đòi mở cửa, đòi người. Các bạn ở trong một mặt cương quyết không mở cửa, một mặt kiểm tra nhân thân người trung niên chạy vào. Nghe trình bày, hỏi nguyên nhân, lý do tại sao phải chạy v.v. Như cảnh sát khu vực thực thụ…Sau một hồi không thấy chuyển biến gì, đám đông chửi bới ầm ĩ, văng tục, nhổ bọt …rồi tự giải tán.
           Sau mới biết: Ông khách đi chơi (chắc định tìm hiểu em nào), lấm la lấm lét  ngó vào các phòng, đúng lúc có bọn kêu: “Có trộm”. Hoảng quá, bỏ chạy nên mọi người lại tưởng trộm thật nên truy đuổi. Hội chứng số đông đã gây không biết bao nhiêu phiền toái. Tuy nhiên, nhờ Hóa K20 nhân từ, khoan dung nên người đó thoát trận đòn “ hội đồng”. Nghĩ mà kinh mãi?  
         3. Đòn Hội đồng
        Phải thú thực, những thằng “trẻ con” mới lớn như chúng tôi. Việc chính là học. Những việc xã hội hầu như ít quan tâm. Tuy nhiên, đọng lại trong tôi những khoảng ký ức buồn, trống rỗng. Việc là thế này:
          Một chiều trưa, trên đường đi học, khi qua sau nhà B6, gần tới chiếc cầu cong bằng bê tông bắc qua sông Tô Lịch. Chúng tôi gặp một  “tên trộm”, nó đang nằm  còng queo dưới đất, tay thu ôm bộ hạ, quần áo rách tơi tả. Xung quanh, tiếng hò hét, chửi bới ầm ĩ. Mọi người đi qua, mạnh ai nấy đá, cứ nhằm vào lưng, vào chân, vào tay mà đá lấy một cái. Khi đó, tôi cũng xông vào đá một cái. Do chân đi dép cao su nên chắc lực chỉ cỡ 10N. Thế nhưng, khi đó chúng tôi hỉ hả lắm. Chứng tỏ là mình không dung túng cái xấu, chứng tỏ mình không liên quan đến thằng người nằm dưới đất, đến trộm cắp, chứng tỏ mình…trong sạch?   
           Sau một hồi đá “ hội đồng”, thấy “tên trộm” nằm bất động, một người còn kéo nó vứt xuống rìa sông. Song, cả bọn tiếp tục đi học. Không biết số phận “tên trộm” đó ra sao?
           Đó là “Đòn Hội đồng “ thứ nhất.
           “Đòn Hội đồng“ thứ hai: Khoảng tầm chiều muộn, khi đó cả bọn đang kéo nhau đi ăn cơm. Khi qua chiếc cầu bê tông trước nhà B8, có một thanh niên phóng xe đạp xe ngược chiều, phía trên ghi đông có cái quần hay áo gì đó phất phơ. Phía sau có mấy thanh niên mặc quần đùi áo lót đuổi theo hô: Trộm…Trộm. Khi đó, gã thanh niên bị mọi người giữ lại. Hắn bỏ xe đạp và lăn ra đất. Sai lầm của hắn là ở đấy. Ngay sau khi hắn lăn ra đất là lúc “Đòn hội đồng” đối với hắn bắt đầu. Thôi thì: Đá, ném đất, ném đá …đủ kiểu. Tôi nhớ khi đó, có người còn bê cả cục tường vỡ cỡ 10kg ném thẳng vào người. May không trúng đầu? Vừa đá, vừa ném, vừa hò hét. Khi tên trộm nằm bất động cũng là lúc mọi người tản mát bỏ đi. Không ai có liên quan gì hết.
           Sau, bọn tôi được biết: Tên trộm nhà ở khu Kim Liên, là học sinh cấp 3 Thăng Long, trên đường đi học về, thấy hội bóng đá để quần áo ở rìa sân nên nảy sinh ý định lấy. Không ngờ hội đá bóng cảnh giác, phát hiện được nên tri hô. Cũng vì “ Thiên la địa võng” đã giăng, không thể khác được nên đành hứng chịu: “Đòn Hội đồng“. Hình như y được đưa vào bệnh viện Bạch Mai nhưng không qua khỏi…
           Khi đã đến tuổi “Tri thiên mệnh”, nhớ về các trận: “Đòn Hội đồng“, tôi vẫn cảm thấy như mình còn nợ xã hội, nợ cuộc đời, nợ …một cái gì đó rất mơ hồ mà không thể trả được. Ai đã cho chúng tôi quyền phán xét, quyền cướp đi một mạng sống, một con người?. Câu hỏi đó cứ luôn day dứt tôi mãi???

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét