CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

19/1/11

NHỮNG KỲ THỰC TẬP (Tiếp theo)

        Khi chúng tôi đã học xong một số kiến thức chuyên ngành Hóa. May mắn làm sao, tôi cùng một số bạn được đi tham quan và thực tập tại Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên.
        Đợt thực tập này, chúng tôi được đi tham quan một số xưởng thuộc Khu Liên hợp gang thép, thời gian còn lại chủ yếu tham quan tại Xưởng luyện cốc.  
        Khu liên hợp gang thép được xây dựng tại Tỉnh Thái Nguyên thuộc Khu tự trị Việt Bắc từ những năm 59-60. Trải qua chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ cộng với cấm vận sau giải phóng nên khi đó chỉ sản xuất cầm chừng. Tại thời điểm chúng tôi đến thực tập, Khu liên hợp có Xưởng luyện thép Lưu Xá, Xưởng đúc gang, Xưởng luyện Cốc, Xưởng Cơ khí và một số bộ phận khác. Xưởng cán thép Gia Sàng khi đó đang xây dựng.
        Nguyên liệu chính cho Khu liên hợp hoạt động gồm: Sắt thép phế thải thu hồi tại các địa phương sau chiến tranh, Quặng sát Trại Cau đã qua tuyển lựa, Gang bán thành phẩm nhập khẩu, Than mỡ Phấn Mễ và Than mỡ nhập khẩu từ Trung Quốc (Loại này khi đó thuộc diện quý hiếm, phải quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt).
        Tuy nhiên, trong thời gian ở Thái Nguyên, chúng tôi chỉ được tham quan (cưỡi ngựa xem hoa) xưởng đúc gang nên chỉ kể lại được một chút như sau:
        Một buổi sáng đẹp trời, bọn tôi được dẫn sang xưởng đúc. Khi chúng tôi vào xưởng, thấy có một lò đúc to đùng đang nấu (không nhớ là gang hay thép - quên rồi) 
Nóng hầm hập. Ấn tượng nhất khi đó là có mấy công nhân dùng một cây thép to đùng (cỡ phi 24mm hoặc hơn) đang chọc vào cửa lò. Được một lúc, cây thép bị chảy nhũn ra và mất một đoạn dài. Một thời gian sau, công nhân bảo chúng tôi ra ngoài hết để xả vào các khuôn đúc đã làm sẵn. Hình như là cát trộn với gì đó (không rõ lắm). Dòng sản phẩm nóng chảy hồng rực như nước, chảy tràn ra các khuôn đúc. Mùi khét, khói, bụi ..mù mịt. Mấy thằng tôi nhìn không chán mắt. Tự hào lắm !? Không biết có bạn nào còn nhớ?
        Thời gian chủ yếu còn lại, chúng tôi tham quan xưởng cốc hóa. Đó là xưởng dùng than mỡ để luyện than cốc phục vụ cho lò cao. Sơ qua sản xuất như sau:
        Than mỡ được nạp vào các ngăn của lò luyện. Ngăn lò luyện kín, mỗi ngăn  cao cỡ 8 -:-10m, rộng cỡ 8 -:- 10m, dầy cỡ 2 -:-4m (không chính xác lắm, mong các bạn thông cảm), cả lò được nung bằng nhiệt ngoài. Than mỡ trong ngăn luyện được tách hết chất bốc, chất khí vốn có để chuyển sang bộ phận thu hồi. Than trong ngăn luyện sau đó được kết khối. Khi cốc “chín” được làm lạnh tự nhiên và xả, sau đó hình như còn phun nước làm lạnh hoặc gì đó. Sản phẩm than cốc sau luyện có màu đen, xốp, hình như còn nhẹ hơn nước. Khí thu hồi sau làm lạnh, được chưng cất để tách ra một số dung môi hữu cơ, benzel, ngoài ra còn tận dụng để sản xuất cả phân đạm sulfat.        
        Bọn chúng tôi, nhiều thằng ham tìm hiểu còn trèo lên đỉnh lò luyện cốc để ngắm, để xem... Khi lò đang luyện, nhiệt độ nóc lò rất cao, cỡ 50-:-60 độC. Nền rất nóng, tôi nhớ khi đó tôi đi dép cao su mà nó còn chảy ra và dính nhem nhép xuống nền.
        Cũng tại xưởng luyện cốc, do các ngăn lò luyện bị hở nên sản phẩm khí thoát ra gây ô nhiễm môi trường mà trước hết là những người có mặt tại đó hứng chịu.  Chính vì vậy mà trước đây có bạn đã viết về Bác Mục, sau khi hít không khí bị ô nhiễm (chủ yếu là khí CO và H/c thơm) về ngủ li bì. Tuy nhiên, trong bài của mình, bạn ấy  viết: …” anh Mục là bệnh binh nên mắc bệnh mất ngủ, Anh dùng trà đặc, tâm sen nhưng không hiệu quả.... Tôi xin đính chính như sau: Theo tôi được biết, thần kinh anh Mục rất nhạy cảm. Nếu uống nước chè (nhất là chè Thái) thì anh phải mất ngủ mấy đêm (lời anh Mục hay nói). Như vậy, anh uống tâm sen thì còn hiểu được, không có lý nào anh lại uống trà đặc để trị bệnh mất ngủ được !!!???       
        Cũng trong thời gian thực tập tại Thái nguyên, trước khi kết thúc, cả bọn tổ chức “ Tự biên - Tự diễn” thịt chó. Cũng đi mua chó về làm thịt và thực hành: “Thịt chó một nồi “ như có bạn đã viết trước. Bọn tôi khi đó chỉ loanh quanh tại bếp để thưởng thức mùi thơm của thịt chó bốc ra (hình như hôm đó trời còn có mưa nhỏ). Đúng là khi đó Hoàng Văn Sính đã rất tâm đắc với kiểu “Thịt chó một nồi “ này, thỉnh thoảng lại mở vung, lật những miếng lá chuối ra để xem thực tế ra sao. Sợ bị cháy thì chỉ có chết ?
          Hỡi những người bạn đã từng được thưởng thức món “Thịt chó một nồi” tại Thái Nguyên. Bạn nào còn nhớ hương vị của nó??? 

1 nhận xét:

  1. Bác nào viết hay nhỉ. Tôi thì thấy hay nhất là chuyện đi thực tập ăn thịt chó, chứ cái lò luyện cốc của bác chắc nó thành sắt vụn từ lâu rồi.

    Trả lờiXóa