CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

3/1/11

VỀ HAI CHỮ: “TẬP THỂ”

(Tôi viết để hoài niệm và tri ân những người cùng cảnh ngộ đã, đang và sẽ cùng tôi tiếp bước trên đường đời)
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, nói theo các cụ xưa là: “Chân đất mắt toét”. Từ nhỏ, không vượt qua được lòng mẹ (Ý nói không qua lũy tre làng). Những năm tôi học phổ thông, quả là chuỗi ngày gian khổ: Thiếu thốn đủ bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chăn không đủ đắp, cửa nhà xập xệ. Lại đúng lúc, bom đạn đùng đùng, hố bom, ụ pháo, hào giao thông, hầm hố ngổn ngang….Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn vượt lên tất cả để đi học,
Thủa ấy: Mũ rơm, chân đất vui vẻ đến trường. Đèn dầu, cơm độn, trường kỳ mà vui. Cả nước đánh giặc. Bạn bè đồng lứa tòng quân, khí thế rầm rập. Riêng chúng tôi, vì nhiều nguyên nhân, được ưu tiên học: Hành diện lắm, tự hào lắm lắm.
Rồi, đất nước được giải phóng, chúng tôi vượt lên tất cả để học, để ôn, để thi. Rồi chúng tôi cũng được đáp đền xứng đáng. Vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, kỳ thi đại học căng thẳng, chúng tôi đã đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Khi chia tay tuổi thơ, chia tay mái trường phổ thông đầy lưu luyến.Tôi cũng như nhiều bạn cùng trang lứa khi đó không nghĩ rằng: Cuộc đời mình từ đây gắn liền với chữ: “ TẬP THỂ”.
Thủa ấy, vùng quê nghèo tôi chỉ biết đến “Tập thể” qua những buổi làm việc theo HTX, những buổi họp bình xét công điểm, xét khen thưởng, kỷ luật v.v.. tại nhà kho, sân kho hợp tác. Hơn một chút là khu nhà “ Tập thể”, nhà tranh, vách đất, nền nhà lồi lõm của trường cấp 2 của xã (cả xã khi đó chỉ có một trường). Các thầy cô sống chan hòa, vui vẻ. Khi tôi theo học cấp 3, ra phố huyện, tôi biết thêm khu nhà “Tập thể” của Huyện ủy, Ủy ban Huyện, Huyện đội…và mấy cơ quan thuộc huyện khác. Khi đó, khái niệm “Tập thể” trong tôi có gì đó cao xa, kỳ vĩ và đầy tính nhân văn.
Khi đã là sinh viên trường ĐHBK Hà Nội, đầu tiên, tôi và các bạn Hóa K20 được xếp ở khu Đại Cồ Việt. Đó là mấy dãy nhà cấp 4, tường gạch xây, trát vữa, quét ve vàng. Mái nhà lợp ngói xi măng, xà gồ gỗ, trần cót ép. Phía trên, dọc theo tường nhà, gần sát mái có giá để đồ làm bằng tre. Giữa nhà treo mấy bóng đèn điện dây tóc chiếu sáng. Dọc theo nhà có căng 2 dây thép dùng để mắc màn và phơi đồ. Nền nhà láng vữa ba ta, có đóng những cọc tre, phía trên buộc những cây tre dài thượt dọc nhà làm giá để giát giường. Khi nằm ngủ, giát giường oằn xuống một chút, cong xuống một chút và kêu cọt kẹt một chút dưới sức nặng của những tân sinh viên. Đối với các bạn khác thì tôi không biết, thế nhưng với tôi, được ở khu nhà “ Tập thể” tại Bách Khoa thế này đã là “Oai” lắm rồi.
Người ta nói: Có an cư mới lạc nghiệp. Nhà ở thì như vậy, ăn uống thì càng không phải lo. Nhà ăn sinh viên Bách Khoa phục vụ chúng tôi rất chu đáo, nhiệt tình và thông cảm. Sau này, dù có đi bốn phương trời, cũng không thể nào quên những bữa cơm BK, không thể nào quên những “Cô” cấp dưỡng BK đã phục vụ chúng tôi trong suốt những năm học tại Trường.
Thế nhưng cái đáng quý nhất, đáng tự hào nhất là chúng tôi đã được cùng sống, cùng sinh hoạt, cùng học tập, cùng vui chơi, cùng trêu đùa, cùng chia sẻ, cùng mọi điều với một “ TẬP THỂ ”. Một tập thể mà mãi mãi về sau này, đã gắn bó máu thịt, đã chia ngọt, xẻ bùi, đã khuyến khích chúng tôi mỗi khi chúng tôi có thành tích, động viên, chia sẻ, giúp đỡ chúng tôi mỗi khi có khó khăn. Đó là: LỚP HÓA K20.
Lớp Hóa K20 chúng tôi, thật đúng là “Bốn phương hội tụ”. Già có, Trẻ có; Nam có, Nữ có; Cao có, Thấp có; Béo có, Gầy có; Đen có, Trắng có; Bộ đội có; Thương binh có; TNXP có. Công nhân có; Nông thôn có, Thành thị có; Người Kinh có, Người Tày, người Mường cũng có… Thôi thì đủ kiểu, đủ các vùng quê, đủ các âm điệu, giọng nói….Thế nhưng, chúng tôi đều giống nhau: Đều đã tốt nghiệp lớp 10; Đều cùng vào học Bách Khoa và nhất là cùng học Khoa Hóa. Chính vì vậy, sau này chúng tôi thống nhất lấy ngày 28/11hàng năm, ngày mà đa số thành viên trong tập thể của chúng tôi bước vào cuộc đời sinh viên làm ngày Truyền thống, ngày Kỷ niệm của chúng tôi.
Tốt nghiệp Bách Khoa, tạm chia tay với “TẬP THỂ HÓA K20”, chúng tôi lại gắn bó với “TẬP THỂ BỘ ĐỘI ĐƯỜNG LÂM”. Tuy thời gian ngắn ngủi, chỉ có hơn ba tháng nhưng “ Tập thể” này đã ghi nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm vui buồn, nhiều nước mắt, nhiều nụ cười, nhiều tâm tư, nhiều tâm sự cũng như nhiều “ Chiến công thầm lặng ” khác như: Mò hến, bắt trai; Cơm sống chan cát; Ca hát đêm đông; Đổi cơm sống; Uống nước chè; Be bờ chắt nước; Bánh bẻng lưỡi mèo vân vân và vân vân.
Từ “TẬP THỂ BỘ ĐỘI ĐƯỜNG LÂM” chúng tôi lại được chuyển qua “ C8B-TRƯỜNG SQPH”. Vâng, tập thể này lại tiếp tục gắn kết chúng tôi, những “ Kỹ sư Bách Khoa” được chuyển thành “ Chiến binh hóa học”. Cũng tại đây, “Tập thể” chúng tôi liên tiếp phá vỡ những kỷ lục cũ, thiết lập nên “Kỷ lục“ mới “, từng “Vang bóng một thời” như: Chất vấn giáo viên; Đá bóng ngoài mưa; Vừa đi vừa hát; Hội diễn văn nghệ; La cà quán nước; Tập bơi sông; Đòi chế độ…
(…)
Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố. Khoảng nửa cuối những năm 80, khi ấy, từng thành viên của “Đại Tập thể” HÓA K20 chúng tôi, hầu hết đã trưởng thành, đã có một nghề ổn định. Có thể chưa ưng ý, có thể chưa phù hợp hoặc cũng có thể chưa đáp ứng được so với những yêu cầu của cuộc sống hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, với những gì chúng tôi đạt được, tích lũy được khi còn học Đại học, khi ở quân ngũ đã giúp chúng tôi trở thành người có ích cho xã hội. Một lớp người “ Vừa Hồng vừa Chuyên”.
Bản thân tôi, từ khi chia tay tập thể “C8B-TRƯỜNG SQPH”, tôi “được” chuyển về đơn vị chiến đấu, vẫn trong một Tập thể. Tuy nhiên, “Tập thể” này, do từng thành viên có nhiều sự khác biệt, từng thành viên vì không cùng chung nhịp đập nên Tập thể này cũng như bao Tập thể khác cùng cảnh ngộ ít in vào trí nhớ tôi, nó chỉ như một làn gió thoảng qua, nếu có chỉ làm xào sạc lá cây?
Rồi những năm công tác, cũng sống, cùng làm việc, cùng ăn, cùng ở với Tập thể đồng nghiệp. Song, khái niệm “ Tập thể” lúc này hơi bị đổi mới, nó không được như cách hiểu, cách nghĩ, cách làm cũ của chúng tôi. Âu cũng là do cuộc sống muôn màu đã làm thay đổi nhiều khái niệm xưa. Đúng như các cụ xưa đã nói: “ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” . Cùng ăn, cùng ở, cùng …và nhiều cùng khác nhưng, Tập thể này như một ung nhọt, nó phồng phồng, tẹt tẹt. Nó lùng nhùng, nó khó chịu, nó bức bối, nhiều khi nó nóng bỏng đến mức chỉ chờ cơ hội là vỡ ra, là nổ tung?.
Trước khi lập gia đình, có người đã cảnh báo tôi: Ông chưa từng sống ở tập thể gia đình (Bây giờ gọi là khu chung cư) nên chưa thể biết: Ở tập thể, nếu vợ chồng hòa thuận, không đánh cãi chửi nhau, con cái không nghịch ngợm vân vân và vân vân, thì dưới con mắt những người láng giềng, gia đình ông sẽ là gia đình người ngoài hành tinh, gia đình xa lạ, sống không hòa đồng với tập thể. Thế đấy, khái niệm “Tập thể” bị người ta bẻ cong không thương xót như thế đó.
Giờ, tôi mới thấm thía những lời tâm sự cũ. Lúc tỉnh ra …có lẽ cũng chưa quá muộn.
Vĩ thanh
Trở lại với Đại tập thể: “HÓA K20” của chúng tôi. Sau bao tâm huyết, bao tấm lòng, bao ký ức, bao hồi tưởng, bao…và…bao. Hiện nay, chúng tôi hầu đã quy tụ những người, trước vốn “ ĐA CÙNG”, bây giờ là “TÂM HUYẾT“, là “TRÍ”, là “NHÂN” là “NGHĨA” là “TÌNH”. Cho đến nay, ở vào tuổi: “Tri thiên mệnh”, hầu hết chúng tôi không quá lo nhiều về cuộc sống, về sự nghiệp, về nhiều vấn đề khác nữa. Chính vì vậy, tập thể của chúng tôi mới lớn mạnh, mới vững chắc, mới sâu gốc, bền rễ. Đó là những lý giải, những nguyên nhân mà rất nhiều tập thể khác không có được thành công như mong đợi. Thậm chí loay hoay tìm mãi không ra?
Chúc cho “TẬP THỂ HÓA K20” vững bền mãi mãi.

1 nhận xét:

  1. GỬI NHỮNG NGƯỜI BẠN CŨ

    Văn chương dân dã nếu không hay
    Xin cũng đừng cười, hỡi những ai?
    Lời quê góp nhặt xin dăm phút
    “Bán” vui cũng được chút thân tình

    Trả lờiXóa