CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

30/9/12

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG

MẤY LỜI PHI LỘ

    Cũng sắp đến ngày kỷ niệm của lớp HÓA K20 (28/11). Thời gian không còn nhiều nhưng xem ra BLL chưa có thông tin gì. 
    Vào Blog mới (cả truy nhập blog cũ), thấy thiếu vắng nhiều bài viết. Tôi xin mạn phép đăng lại bài viết này để các Bạn cùng hồi tưởng và suy ngẫm. Rất mong được các Bạn thông cảm.

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG

        Chúng tôi là những thanh niên sinh ra sau ngày hòa bình lập lại (1954). Mặc dù vậy, chiến tranh chống Mỹ hầu như theo suốt quãng tuổi thơ chúng tôi. Năm chúng tôi vào lớp 1 cũng là năm Mỹ  bắt đầu chiến tranh đánh phá Miền Bắc. Khi bước vào cấp 3 (hồi đó là lớp 8), cũng là lúc Mỹ tập trung toàn lực (B52) đánh bom hủy diệt Hà Nội. Rồi Hiệp định Pa ri được ký kết (1973), chấm dứt những chuỗi ngày mang lá chắn, mũ rơm đến trường. 
      Đầu năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước sang một giai đoạn mới. Miền Bắc dốc toàn lực chi viện để Miền Nam có thể kết thúc chiến tranh trong năm 1975 (Ất Mão). Năm đó, chúng tôi đang học lớp 10 (năm cuối cấp 3). Một số bạn cùng học đã lên đường tòng quân đánh Mỹ. Số còn lại quyết tâm phấn đấu học thật tốt và cũng sẵn sàng lên đường nhập ngũ...  
     Ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả nước thống nhất. Cũng chính vì niềm vui chiến thắng mà khóa thi tốt nghiệp cấp 3 của chúng tôi phải lùi lại hơn 1 tháng so với kế hoạch. Cũng chính vì đất nước thống nhất mà năm đó chúng tôi "được" thi tốt nghiệp với 6 môn thi (cả môn chính trị)!?.   

      Không biết từ bao giờ, trong giới trẻ chúng tôi ngày đó có câu: " Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa". Nên năm đó, khi Bộ ĐH&THCN tổ chức thi ĐH (tôi nhớ ngày đó tổ chức thi theo cụm và tại địa phương). Chúng tôi đã " Lựa chọn" và  "Quyết" thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mặc dù đó là sự lựa chọn khó khăn, đòi hỏi sự dũng cảm của từng người. Mãi về sau này, hầu hết chúng tôi vẫn đều nhận xét: Đó là sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt... 
     Khi nhận được giấy báo điểm ( Kết quả thi-  Lúc đó do Ban tuyển sinh Thuộc UBND Tỉnh), nhiều người trong chúng tôi không nghĩ rằng mình đã đỗ. Chỉ đến khi nhận Giấy báo nhập học, trong đó ấn định thời gian nhập học là ngày 28/11/1975, nhiều người chúng tôi mới sấp ngửa đi làm thủ tục cắt chuyển khẩu cũng như các giấy tờ khác về trường. (ngày đó chưa có máy Fotocoppi để lưu giữ lại những mẫu giấy này- Kể cũng tiếc)
     Đúng hẹn, sáng 28/11/1975, hầu hết những học sinh ngoại tỉnh như chúng tôi cùng người nhà tụ tập ở trước nhà C2 để nhập trường. Tôi nhớ khoảng 9 giờ, sau khi hoàn tất các thủ tục, chúng tôi được hướng dẫn về khu ký túc xá. Tôi nhớ khi đó do còn bỡ ngỡ nên phải hỏi thăm mãi. Lúc đó phải đi qua nhà C4, qua khu nhà C6 rồi men theo một con đường bê tông, qua chiếc cầu cong cũng bằng bê tông bắc ngang sông Tô lịch mới ra được con đường lát cấp phối để đến khu ký túc xá…

       Ký túc xá nơi chúng tôi khởi đầu cuộc đời mới - Đời sinh viên:  Đó là mấy dãy nhà cấp 4, tường gạch xây, trát vữa, quét ve vàng. Mái nhà lợp ngói xi măng, xà gồ gỗ. Trần cót ép. Sàn láng vữa ba ta. Có 2 dây thép kéo dọc nhà dùng để mắc màn và phơi đồ. Phía trên, dọc theo tường nhà, gần sát mái có giá để đồ làm bằng tre. Có mấy bóng đèn điện dây tóc chiếu sáng cẩn thận. Tại thời điểm tôi đến khu nhà này, chỉ có  2-:-3 anh SV đang đóng những chiếc cọc tre xuống nền nhà và buộc những cây tre làm giá để giát giường. Qua trò chuyện, được biết đó là những sinh viên K17 từ nơi sơ tán chuyển về trước đó ít ngày. 
       Tại đây, chúng tôi được hướng dẫn đi mượn giát giường ở nhà số 63 ( không biết có đúng không?). Lại phải lần mò tìm, hỏi thăm mãi mới tìm thấy. Đó là một nhà kho có vô số giát giường, cái mới tinh, cái đã cũ, cái bị long, bị gãy, đủ cả. Gặp một bác già (Hình như tên Khang, Khanh hay Kha gì đó), trình giấy và phải ký vào sổ mượn 01 giát giường. Không phải chỉ có mình tôi, mà nhiều người khác sau khi lấy được giát giường loay hoay không biết làm sao mà mang về khu KTX được. Vì khoảng cách cũng tương đối xa !?
     Hì hục khuân, vác, kẹp cả vào nách, thậm chí còn kéo lê chiếc giát giường trên đường. Rồi cuối cùng, tôi cũng mang được chiếc giát giường về khu KTX. Bây giờ ngẫm nghĩ lại, chẳng biết sao mà mình lại chuyển được nó về?. Có lẽ nhiều bạn cũng chung cảnh ngộ như tôi ngày đó.!?
     Khi về khu KTX, vì là những người đầu tiên có mặt nên tôi được hướng dẫn vào dãy dành cho Khoa Hóa. Tôi nhớ khi đó, phòng đầu tiên dành cho Máy Hóa. Tôi vào phòng thứ hai rộng 3 gian. Tại đây, tôi đã gặp các anh: Anh Khuyên; Anh Lâm (các anh lớn tuổi và đã học dự bị tại trường), nên các anh đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống, chỗ ăn, ở  v.v..Cũng tại đây, những người bạn cùng tuổi chúng tôi người trước, người sau dần đến và quen nhau. Ký ức của tôi còn nhớ lại được những bạn như: T.Tĩnh; M.Hồng; X.Thu; Đ.Thắng ...
     Đồ đạc cá nhân của chúng tôi cũng đơn giản, không có gì nhiều. Tôi nhớ khi đó, chỉ có một vài người ở thành phố, thị xã là có chiếc valy giả da, một số bạn có người nhà trong quân đội thì có chiếc ba lô cũ (những người này khi đó được được liệt vào hạng sang) . Đa số còn lại là túi du lịch. Đó là cái túi được may bằng vải bạt hoặc giả da, có 2 quai xách, có phẹcmơtuya kéo cẩn thận. Trong đó chỉ chứa mấy bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng, giấy tờ và một vài thứ linh tinh khác...  
     Sau khi ổn định được nơi ở (thực chất là chỗ để ngủ), mấy thằng chúng tôi rủ nhau trinh sát quanh khu vực. Đi về hướng đông, vượt qua khu đất mọc cỏ tranh, cỏ dại um tùm, chúng tôi đến khu nhà tiêu nằm dọc theo sông Tô lịch. Nói là nhà chứ thực chất là một dãy nhà khung gỗ, mái lợp tranh, cửa bưng cót ép cẩn thận và có thể di chuyển được. Người ta lợi dụng bờ sông Tô lịch hơi cao, đào các hố để đựng “ ngũ cốc luân hồi “. ( các nhà kiểu này bây giờ trở nên quý hiếm).
     Tìm được khu vực để “ dốc bầu tâm sự “ rồi, chúng tôi tiếp tục khám phá tới khu vực xa hơn ở phía đông. Tìm hiểu ra, chúng tôi được biết, khu vực này mấy tháng trước là nơi bộ đội luyện tập để duyệt binh mừng chiến thắng. Phải vượt qua một bãi cát trống, trên đường đi, chúng tôi gặp một vòi nước máy ngay bên phải đường, phiá dưới chỏng chơ mấy hòn gạch. Xa hơn một chút nữa là khu nhà tắm, thay đồ. Có nơi tắm giặt, thay đồ và có nước máy là quá tốt đối với mấy thằng tỉnh xa chỉ quen dùng nước ao chúng tôi!?
      Quay trở lại đường chính để ra phố. Chúng tôi  qua hai trụ cổng xây bằng gạch, dọc hai bên đường có mấy cây bàng khá to, chúng tôi qua cầu vượt sông Tô lịch, đi thêm khoảng 50 mét nữa là đến đê. Đê sông Tô lịch cao khoảng 1,2m, rộng khoảng 2,5m. Qua cầu, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là xưởng cưa gỗ ở phía bên phải. Tiếng cưa máy thỉnh thoảng lại rít lên. Đây là lần đầu tiên, thằng tôi được biết đến cưa máy.
       Vượt qua đường nhựa, qua một khoảng đường bê tông ( không biết để làm gì), chúng tôi tới quán nước anh Tuấn đầu bạc và vợ (từ ngày đó tóc đã bạc rồi). Quán bán nước chè Thái, thuốc lá, kẹo lạc, bánh rán…. Đây là cái quán mà có lẽ nhiều người trong chúng tôi bị nhiễm thói hư, tật xấu từ đây!?       
   

1 nhận xét:

  1. Đọc lại những hồi tưởng của các bạn và cùng suy ngẫm. Ước mong được trở lại những ngày xưa ấy...?

    Trả lờiXóa