NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG
(Tiếp theo)
Trong giấy
báo nhập học có yêu cầu học sinh khi nhập học phải mang 17 kg tem gạo và 18
đồng. Khi nhập học, sau khi đóng đủ tiền và tem gạo, chúng tôi được phát một tờ
phiếu ăn in ofsét rộng cỡ tờ A4. Phiếu ăn ghi hai bữa từng ngày trong tháng và
có đóng dấu đỏ hình bầu dục của nhà ăn số 4 trên từng ô. Phiếu ăn sáng thì ghi
tập thể 10 hoặc 5 xuất. Phiếu này nhom nhem hơn, đánh máy chữ, in Roneo. Phiếu
này cũng có dấu cẩn thận.
Mặc dù
được phát phiếu ăn có ghi rõ nhà ăn số 4 nhưng do bỡ ngỡ nên chúng tôi phải
hỏi thăm để nắm vững. Đại thể thế này:
Buổi sáng,
tầm 5 giờ 15 đến khoảng gần 6 giờ. Người
nào trực nhật sẽ xé phiếu ăn sáng của ngày đó, đến khu vực Bưu điện bách
khoa (chỗ phát bánh mỳ sáng - khu vực bán
bia hơi - mà sau này là nhà ăn số 3),để nhận bánh mỳ. Tôi nhớ khi đó bánh
mỳ có 2 loại: loại có đường và loại không đường, trọng lượng 100g/cái. Đối với
những thằng ở quê như chúng tôi, được ăn sáng bằng bánh mỳ quả là một bước lên
tiên. Tuy nhiên, sáng chủ nhật nghỉ học nên không được phát!? Kể cũng tiếc.
* Về nhà ăn số 4
Đây là nhà
ăn sinh viên từ khi còn sơ tán. Đường từ khu KTX đến nhà số 4 như sau: Từ khu
nhà chúng tôi ở, qua đầu nhà B13, đi dọc nhà B5, rẽ trái đi khoảng 200 mét, đến bờ sông Tô lịch. Tại
đây vẫn còn 1 khẩu pháo phòng không hỏng (hình
như là pháo 57ly, vì hồi ấy chúng tôi chưa biết nhiều về pháo phòng không )
vẫn còn cả hai bánh lốp cẩn thận. Qua nơi có dấu tích chiến tranh, đến ngã 3
đường, rẽ trái vượt qua chiếc cầu bê tông bắc ngang sông Tô lịch, đi tiếp
khoảng 100 mét nếu rẽ trái sẽ vào nhà B13 (
KTX nữ). Bên trái đường có 1 khu WC
rất hoành tráng, vượt qua khu vực này, hắn các bạn còn nhớ đó là Nhà ăn 2 tầng (Nhà ăn số 1), có cầu thang sắt đi lên
tầng 2. Tiếp đến khu nhà căng tin, phát bánh mỳ sáng, qua Bưu điện BK, đến đầu
nhà C ( thuộc các dãy nhà của Đông Dương
học xá cũ), rẽ phải, đi hết nhà C, nhà D và đi thêm khoảng 100 mét sẽ đến
nhà ăn số 4. Đây là tôi kể đường đi chính tắc, chứ sau này, hầu hết chúng tôi
đều cắt đường qua khu sân bóng chuyền,, bóng rổ đi cho nhanh.
* Tại nhà ăn, sinh viên được đón tiếp như thế nào?
Đến nhà ăn, sinh viên phải xé ô phiếu
được phát đúng bữa đó, tập hợp đủ 4 phiếu (hầu
như do là buổi đầu nên chúng tôi đều rủ nhau đi), vào cửa phát cơm để nhận.
Tại cửa phát cơm, cấp dưỡng sẽ phát cho 1 thau cơm, 1 thau canh và 1 bát sắt
tráng men loại to đựng thức ăn mặn ( thịt lợn rang, cá kho hoặc thịt kho đậu
v.v.). Sau khi lấy đủ tiêu chuẩn, sinh viên tự chọn cho mâm đội của mình một vị
trí thích hợp để ngồi ăn. Bàn ăn là loại bàn khung sắt D18, mặt đá rửa cỡ
0,8mx1,2m, cao cỡ 0,8m. Ghế ngồi là loại khung sắt D14, mặt gỗ cỡ 0,3x0,3m được
bắt khá chắc chắn. Nhà ăn còn bố trí 1 nồi nhôm to đựng nước mắm (thực chất là nước gạo rang pha muối, một ít mỳ chính, đường v.v. - Thực
ra, do sau này chúng tôi kết nghĩa với nhà ăn số 3 nên mới được biết cách pha
nước mắm kiểu này). Trong mâm đội, ai cầm bát thức ăn mặn sẽ phải ra lấy
thêm nước mắm cho đủ cả bữa ăn.
Bát đũa để ăn cũng được nhà ăn cung cấp
tại chỗ. Trong mâm đội phải cử 1 người đi lấy 4 cái bát ăn cơm, 4 đôi đũa, một
cái muôi múc ( sau này khi bị mất quá
nhiều muôi múc, nhà ăn còn có sáng kiến đục lỗ muôi múc cơm để hạn chế mất)
.
Khi đã quen “quy trình” ăn cơm rồi thì
lại khác. Sau khi tập hợp đủ 4 phiếu ăn (có
kiểm tra), người tập hợp phiếu được suy tôn thành “ Mâm đội trưởng” có
trách nhiệm xếp hàng lấy đồ ăn cũng như phân công ai đi lấy bát đũa, ai chọn
bàn, ghế, ai đi theo bưng đồ. Thành thạo, nhanh nhẹn và tháo vát lắm.
Nhà ăn có quy định: Bữa sáng mở cửa
cho ăn cơm tầm 10 giờ, chiều từ 16 giờ 30. Bữa sáng có khi kéo dài đến 12 giờ
30 và bữa chiều có khi tới 19 giờ tối.
Nói “quy trình” ăn cơm cho nó phải đạo
chứ, sau này, nhiều khi quy trình cũng bị phá vỡ do “ Thứ ba - Học trò” mà. Thứ nhất là do sau hết tiết thứ sáu, số học
sinh tràn xuống quá đông nên nhiều khi không có chỗ ngồi, người chọn bàn phải
ra xí chỗ trước. Cũng có khi thiếu ghế phải tranh nhau, thậm chí đôi co để có
ghế cho “mâm đội” mình. Cũng may, mỗi mâm chỉ có 4 người nên cũng tiện. Nhiều
khi nghĩ lại cũng thấy hay !?.
Xung
quanh chuyện phiếu ăn còn nhiều chuyện hay khác nữa mà để thư thả tôi bổ sung
để các bạn cùng xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét