CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

16/11/12

Bài báo nghiêm túc nói về các công trình ngiên cứu của Thày Đinh Xuân Bá về trầm hương,Kỳ nam!

Đã trả lời một bạn comment về bài báo nói Thày Bá giỏi số 1 về trầm hương, Kỳ nam... Rất tiếc như đã nói tôi đã đọc trên báo viết ,cách đây gần 10 năm có lận.Nhưng vẫn vào mạng đi tìm các bài viết về thày Bá.Cũng không lâu la gì,chỉ vài chục giây,tôi đã tìm được bài viết ưng ý.Nhân đây cũng copy lại toàn văn bài báo này.Mừng là có nhiều ảnh thày Bá hiện trạng,nên sẽ đáp ứng được nhiều bạn.

GS-TS. Đinh Xuân Bá - Giáo Sư Trầm, Kỳ

Giải mã thứ vàng ròng của rừng có tên kỳ nam





(VTC News) - Thời gian gần đây, báo chí liên tục phản ánh giới “đi điệu” trúng đậm trầm, kỳ. Chuyện trúng quả trầm, kỳ diễn ra nhiều nhất ở các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, đặc biệt là Quảng Nam. Các xã như Đại Phong (huyện Đại Lộc), Đại Nghĩa (Mỹ Lộc, Quảng Nam) liên tục khiến cả nước bị sốc vì những tin đồn trúng 10 tỷ, 50 tỷ, 100 tỷ và gần đây nhất là 1.000 tỷ đồng!

Kỳ nam là thứ siêu đắt, là sản vật có thể nói là vô giá của rừng già, nhưng vì sao kỳ nam lại đắt như vậy, người ta mua để làm gì, và sự thực có phải nhóm người đi tìm trầm trúng cả ngàn tỷ hay không là những câu hỏi rất cần có sự giải đáp.

Kỳ 1: “Giáo sư trầm, kỳ”



GS. Đinh Xuân Bá và một khối kỳ nam khổng lồ.
Người hiểu biết nhất về trầm hương, kỳ nam ở nước ta có lẽ là GS-TS. Đinh Xuân Bá (nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty SECOIN). Giới nghiên cứu về trầm hương, kỳ nam thường gọi ông là “giáo sư trầm, kỳ”.

GS-TS. Đinh Xuân Bá đã nghỉ hưu mấy năm nay, ông không còn tham gia hoạt động giảng dạy và kinh doanh nữa. Mọi việc của doanh nghiệp ông giao cho con trai và con gái. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì hoạt động của Trung tâm Sinh học ứng dụng SECOIN, mà ông là giám đốc. Trung tâm này quy tụ rất nhiều nhà khoa học có tiếng ở Việt Nam và trụ sở đặt tại nhà riêng của ông.


GS-TS. Đinh Xuân Bá bên một cây dó lớn.

Tòa biệt thự giữa khu vườn mênh mông ở làng Báo Đáp (Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) là nơi nhà khoa học đã ngoài 70 tuổi này trồng đủ các loại cây cỏ, thậm chí nuôi cả… giun quế để nghiên cứu. Tòa nhà và khu vườn nằm trên mỏm đất ngã ba sông, trồi hẳn ra con sông Bắc Hưng Hải. Quanh nhà, ông trồng một số cây dó và thường xuyên đo đạc, theo dõi, nghiên cứu.
Tuy nhiên, mấy cây dó trồng quanh nhà là để cho vui, để người đến nhà ông chơi, các nhà khoa học không có điều kiện vào miền Trung được biết nó thế nào, chứ nơi ông nghiên cứu về trầm kỳ, về cây dó bầu nhiều năm nay là ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tại đây, ông có một trang trại khổng lồ, rộng cả trăm ha với hàng vạn cây dó bầu đã chục năm tuổi.


GS. Đinh Xuân Bá trong một hội thảo về trầm, kỳ ở nước ngoài.

Từ khi cả nước còn mù mờ về cây dó, trầm, kỳ, thì ông đã bắt đầu gieo giống, trồng trọt và cung cấp giống cho người dân phát triển loài cây này. Từ loài cây quý hiếm, có mặt trong Sách đỏ Việt Nam, giờ có lẽ Sách đỏ nên loại cây này ra, vì khắp miền Trung người dân trồng nó, với số lượng lên đến vài chục triệu cây. Với tình trạng phát triển cây dó bầu như hiện tại, trong tương lai, Việt Nam sẽ thành vương quốc của dó bầu, của trầm, kỳ.

Thế nhưng, vị GS này lại đưa ra một cảnh báo quan trọng, rằng trong tương lai, Việt Nam có thể dùng cây dó bầu để… đun bếp. Bởi vì, nếu để tự nhiên, thì cả ngàn cây mới có một cây cho trầm, hàng triệu cây mới có một cây cho kỳ nam và thời gian tạo trầm, kỳ kéo dài vài chục đến cả trăm năm, chứ không phải chuyện trồng cây rồi hái quả như sung, như vải.
Các nhà khoa học ở Thái Lan, Malaisia, Ấn Độ và cả Việt Nam đã thử nghiệm đưa khoa học hiện đại vào việc tạo trầm. Họ khoan thân cây, cấy vi sinh vào vết thương, rồi kết hợp nhiều công đoạn nữa để tạo trầm. Thậm chí, các nhà khoa học Nhật Bản tại Đại học Kyoto đã dùng Methyl Jasmonate và Jasmonic acid (chất giúp tăng cường năng lực tự vệ của cây) tác động lên các tế bào của cây dó theo phương pháp nuôi cấy treo có thể tạo ra các chất chính của trầm hương chỉ trong vòng… 7 ngày.

Ông Bá gọi đây là phương pháp “kích cảm”. Việc tạo trầm bằng phương pháp này đã có hiệu quả, song chưa có kiểm chứng về chất lượng của trầm. Theo GS. Đinh Xuân Bá, nhiều khả năng, việc tạo trầm bằng phương pháp khoa học này sẽ chỉ cho ra đời một loại trầm dùng để làm… nhang.
GS. Đinh Xuân Bá đã trao đổi với rất nhiều nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp thu mua, chế biến trầm của nước ngoài và họ đều tuyên bố sẽ không thu mua trầm nhân tạo. Sản phẩm trầm hương nhân tạo chưa biết có hiệu quả không, chất lượng ra sao, mà có thể còn không bán được. Nếu không xác định được thị trường tiêu thụ mà cứ phát triển ồ ạt giống cây dó bầu sẽ là đại họa với người nông dân.

GS. Đinh Xuân Bá đã hoàn thành hàng loạt đề tài khoa học cấp Nhà nước về trầm, kỳ. Số lượng bài viết mang tính chất nghiên cứu khoa học thì có đến cả trăm.
Ông lên phòng làm việc ôm xuống một đống tài liệu cho tôi ngồi đọc để hiểu về trầm, kỳ. Cầm đống tài liệu mà theo ông là rất quan trọng, tôi chỉ có nước… bó tay. Bởi vì, tất cả các tài liệu, các công trình nghiên cứu đều được ông viết bằng tiếng Anh. Tôi hỏi có tài liệu nào bằng tiếng Việt không thì ông bảo không có.

GS. Đinh Xuân Bá là người đầu tiên lập trang web giới thiệu về trầm, kỳ, các nghiên cứu, sáng chế, công nghệ chiết xuất tinh dầu từ khi Việt Nam chưa có internet. Trang web này ông lập ở nước ngoài, viết cho người nước ngoài đọc, nên phải viết bằng tiếng Anh.
Vì thế, nên dù là nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực trầm, kỳ, song ở Việt Nam ít người biết đến ông, trừ giới buôn bán, tìm hiểu sâu về trầm, kỳ. Nhưng với giới nghiên cứu ở nước ngoài thì GS. Đinh Xuân Bá rất nổi tiếng. Mỗi năm ông ra nước ngoài cả chục lần để tham dự các hội thảo, các buổi giảng dạy về trầm, kỳ. Các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trầm ở Thái Lan, Malaisia, Ấn Độ thường xuyên mời ông với tư cách nhà khoa học cấp cao. Chính vì vậy, không thể phủ nhận tài năng của GS. Đinh Xuân Bá trong lĩnh vực đầy sự kỳ bí, khó hiểu này.

Theo GS. Đinh Xuân Bá, có rất nhiều loài thuộc chi Aquilaria, nhưng chỉ có 28 loài có thể cho trầm. 28 loài này có mặt ở 15 nước trên thế giới. Việt Nam chỉ có 6 loài thuộc chi Aquilaria. Aquilaria Crassna là loài quý nhất trong nhóm, chỉ có mặt ở 4 nước, trong đó Việt Nam có nhiều nhất và cho chất lượng cao nhất. Sở dĩ loài Crassna quý nhất là vì nó sản sinh ra trầm tốt, mà người đời vẫn gọi bằng cái tên khác là kỳ nam. Nhắc đến kỳ nam, chỉ có thế nhắc đến Việt Nam. Không có nước nào cho loại kỳ nam tốt hơn Việt Nam. Vì thế, kỳ nam có nguồn gốc từ Việt Nam luôn đắt nhất.

Vậy kỳ nam của Việt Nam là thứ gì?

Sự bí ẩn của kỳ nam: Đau thương dó biến thành trầm

(VTC News) - Theo lời đồn thì một kg kỳ nam, chỉ là gỗ và tinh dầu mà có giá tới 9 tỷ đồng, đắt hơn cả vàng ròng. Vậy kỳ nam là thứ gì và dùng để làm gì mà đắt khủng khiếp như vậy?


Kỳ 2:

Đứng bên cây dó bầu trồng trước nhà, GS-TS Đinh Xuân Bá nói câu rất hình ảnh: “Trong đau thương dó biến thành trầm”. Sự hình thành của trầm, kỳ khiến con người suy tư về lẽ sinh tồn.

Theo dân gian, cách tạo trầm, kỳ của cây dó rất đặc biệt. Theo đó, hương trời theo gió quấn quýt thân cây dó bầu. Thứ hương trời đó cứ ngấm dần vào da, ăn dần vào thịt cây. Trầm, kỳ chính là thứ hương trời thấm đẫm trong lõi cây dó.


GS. Đinh Xuân Bá và công nhân trong trang trại dó bầu của ông ở Hà Tĩnh.

Chuyện khác kể rằng, do thân cây dó bị bọng, loài ong, kiến làm tổ ở đó, tha mật về ăn. Hương mật ngấm vào thịt cây dó lâu ngày rồi hòa trộn với nhựa cây mà kết thành trầm hương, kỳ nam.

Đấy là chuyện kể của dân gian, còn khoa học đã lý giải cặn kẽ quá trình tạo trầm. Trầm hương và kỳ nam là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây dó bầu. Nhưng không phải cây nào cũng cho trầm. Cả ngàn cây mới có một cây cho trầm, cả triệu cây mới có cây cho kỳ. Những cây cho trầm, kỳ thường là những cây bị thương tích. Khi cơ thể cây dó bị thương, cây sẽ tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, và thứ nhựa đó là trầm, kỳ.


Cây dó bầu trên trăm năm tuổi ở Tiên Phước, Quảng Nam.

Việc cây dó tạo trầm như thế nào vẫn là điều bí hiểm, đã có cả trăm lý giải, song chưa lý giải nào hoàn thiện. Tuy nhiên, theo GS. Đinh Xuân Bá, qua nghiên cứu tài liệu từ các nhà khoa học đầu ngành về trầm, kỳ ở nước ngoài thì nhiều khả năng trầm là một bệnh phẩm hay sản phẩm của sự nhiễm bệnh. Nói cách khác, nó là sản phẩm của phản ứng tự vệ của cây chống lại sự nhiễm bệnh.

Nếu chỉ giải thích như vậy thì cây dó bầu nào cũng có thể cho trầm, kỳ nếu cây bị thương tích. Mà để cây bị thương tích, là chuyện rất đơn giản. Một người khua dao múa kiếm trong một ngày có thể khiến cả ngàn cây dó thương tích đầy mình.

Ngoài vết thương, thì sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích ở chỗ nào, do nguyên nhân nào, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc nhiễm các loài ký sinh nào trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó... Chính vì có nhiều yếu tố tác động mới khiến cây dó bầu hình thành trầm nên trong điều kiện tự nhiên rất khó để có thể tìm thấy một cây dó bầu cho trầm.

Cùng với việc nghiên cứu các tài liệu khoa học nước ngoài, GS. Đinh Xuân Bá cũng thường xuyên gặp gỡ những người trực tiếp đi tìm trầm để tìm hiểu thực tế. Những người có kinh nghiệm tìm trầm giải thích với ông rằng, những cây dó bầu nào cao 30-50m, lá đã vàng và nhỏ dần, thân cây có nhiều u bướu như tổ kiến, hoặc gốc có gò mối đóng thì cây dó đó có thể cho trầm hoặc cả trầm lẫn kỳ.


Một cục kỳ nam xịn, đắt hơn cả vàng ròng.

Khi gặp những cây dó bầu có đặc điểm đó, người ta sẽ chặt hạ cây, đào hết cả rễ rồi xả nát ra để tìm trầm. Trầm, kỳ có thể ở ngọn cây, thân cây, gốc cây, thậm chí ở rễ cây.

Cũng có khi, bằng những kinh nghiệm dân gian, không cần thấy cây dó bầu, nhưng nghi ngờ quanh vùng từng có dó bầu, họ cũng tiến hành đào bới dưới lòng đất để tìm trầm, kỳ. Nếu cây dó bầu từng có trầm, nhưng cây đã chết, mục ruỗng, bị phân hủy hoàn toàn từ cả trăm năm trước, thì trầm, kỳ sẽ vẫn còn tồn tại trong lòng đất.


Kỳ nam loại chất lượng khá

Giới tìm trầm thường gắn những truyền thuyết, thần thoại vào thứ gỗ đặc biệt này. Họ tin rằng, trầm, kỳ là hóa thân của vị thần Thiên Y Ana. Vì thế, trước khi đi tìm “vị thần”, họ thường ăn chay mấy ngày, ngủ riêng với vợ, không gây gổ đánh nhau, không có ý nghĩ xấu. Tìm thấy cây dó bầu rồi, họ thường nhịn đói để giữ mình thanh khiết, tắm rửa sạch sẽ dưới suối, cúng thần rừng để tạ ơn trước khi hạ cây.

Trầm hương và kỳ nam đều hình thành trong lõi cây dó bầu và có cơ chế hình thành gần như nhau. Nếu tích tụ tinh dầu đậm đặc thì là kỳ. Do đó, kỳ nam nặng hơn trầm hương. Việc phân biệt trầm hương và kỳ nam vừa dễ lại vừa khó. Với trầm hương loại 4, loại 5, thì có thể phân biệt dễ dàng, nhưng trầm hương loại 1 thì chả khác gì kỳ nam, thậm chí, trầm hương loại 1 cũng chính là kỳ nam.


Kỳ nam chất lượng thấp.

Các nhà khoa học phân biệt dựa vào chiết xuất tinh dầu và các nghiên cứu đo đạc cụ thể, song giới mua bán, săn trầm thì dựa vào kinh nghiệm dân gian. Trầm hương có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng, khi đốt khói lên hình vòng rồi tan nhanh trong không khí. Kỳ nam có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt. Kỳ nam chứa đậm đặc tinh dầu nên khi cháy khói lên thẳng và cao, bay lững lờ trong không khí rất lâu.

Tôi hỏi liệu trầm, kỳ có phải dược liệu hay không, GS – TS Đinh Xuân Bá lắc đầu không chắc chắn, vì chưa có nghiên cứu cụ thể về lĩnh vực này, cũng chưa thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, một số sách cổ có nhắc đến tác dụng chữa bệnh của trầm hương.

Theo đó, các thầy thuốc dùng trầm hương làm thuốc bổ thận, tráng dương, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều trị tiêu chảy, chống nôn mửa, hen suyễn, đau bụng, khó thở, thấp khớp. Ngoài ra, trầm hương còn có tác dụng giảm đau, hạ sốt, tăng sức đề kháng cho phụ nữ sau khi sinh.

Kỳ nam cũng có một vài tác dụng như trầm hương, như lợi tiểu, chữa đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, cảm mạo…

Với những khả năng phòng và chữa bệnh như vậy, nên đồng bào ở vùng có trầm kỳ thường sắc loại dược liệu này với nước uống hàng ngày như trà. Một số làng bản ở vùng cao tỉnh Khánh Hòa, đồng bào còn dùng cả cục kỳ nam bọc vào tấm vải treo ở cửa sổ với ý nghĩa trừ tà khí. Trẻ em thì được đeo một miếng ở cổ hoặc tay và người ta xem đó như "bùa hộ mệnh".

Trong các sách Đông y còn nói cả đến tác hại của trầm, kỳ. Theo đó, những phụ nữ mang thai mà uống tinh dầu trầm, kỳ sẽ bị trụy thai và những người suy nhược, suy gan, hỏa tính mà dùng trầm, kỳ sẽ có hại cho cơ thể...

GS – TS. Đinh Xuân Bá cũng thử ngâm trầm hương với rượu để dùng, song thực sự chất lượng và tác dụng thế nào thì chưa thấy rõ. Hiện ông mới chỉ dùng trầm hương vào 2 việc là làm nhang và chiết tinh dầu ngửi cho… vui. Ông thường làm đủ các loại hương vòng, hương que và những thỏi hương bé xíu, ngắn như đầu lọc thuốc lá tặng mọi người đốt cho thơm nhà. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tặng mọi người những lọ tinh dầu trầm nhỏ bằng ngón tay và tặng luôn chiếc máy phát tán hương trầm. Khi cắm điện, chiếc máy sẽ phát tán tinh dầu khiến căn phòng thơm mùi trầm.

Với người Việt, trầm, kỳ chỉ có những tác dụng vô cùng đơn giản như vậy mà thôi. Vậy người nước ngoài mua kỳ nam để làm gì mà chúng đắt hơn cả vàng ròng, trị giá đến gần chục tỷ đồng/kg?

Phạm Sông Diêm - VTC
Nhớ lại,làm thơ.viết bài...dù ở đâu tôi vẫn thường nhắc mình phải nghiêm túc.Nhầm lẫn ti ti có thể là bình thường.Đến ngay nhiều ông viết hồi kí về minh còn nhầm lẫn nữa là.Mong hoá k20 coi việc trích đăng bài báo này như sự tri ân với thày ĐXB,người chỉ dạy chúng ta tối đa 2 năm học là cùng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét