CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

3/11/12

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG


NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG
(Tiếp theo)

     Sơ qua về các khu vực lớn trong trường ĐHBK

    Trường ĐHBK được xây dựng tại khu Đông Dương học xá cũ. Phía đông giáp đường Bạch Mai; Phia tây sát đường Nam bộ (đường Giải phóng hiện nay); phía  Bắc giáp đường Đại Cồ Việt; phia nam là xóm Đồng Tâm (Do được huấn luyện chiến thuật nên chúng tôi nắm rõ địa hình). Năm chúng tôi vào học, nhà trường đã chia ra thành các khu sau:
      Khu  Đông dương học xá cũ: Có các nhà xây kiểu Pháp gồm: Nhà A; B ( Phòng TN và thực hành) Nhà C; D ( Thư viện giáo trình và Xưởng in, Khoa TC); Nhà E; F ( văn phòng Đảng, Công đoàn .. những ai sau này máu xem phim thì phải mua vé tại nhà F); Khu Hội trường nhà bát giác.   

      Khu nhà A: Đó là một số nhà tập thể cho CB-GV, nằm ở phía trái sân vận động, trên đường ra cổng phụ Bạch Mai.
      Khu B: Khu KTX học sinh. Gồm B3 ( KTX nữ); B7bis (SV nước ngoài); các nhà  B5; B6; B7; B8 (KTX nam; và B13 (dành cho SV tại chức và một số đối tượng khác). 
      Khu C: Khu giảng đường. Gồm: C1; C2; C3; C4; C5; C9; Khu xưởng thực hành: C6; C7; C8. Giữa các nhà C3-C4-C5 có các nhà cầu nối thông. VP Khoa Hóa lúc đó ở tầng 3 cầu C3-C4. 

      Ký ức về một số người bạn.

      Vì là những người nhập học sớm tại KTX nên chúng tôi làm quen, thậm chí còn hướng dẫn cho các bạn đến sau. Trong trí nhớ của tôi còn lưu lại hình ảnh một số bạn sau (xin lỗi các bạn nếu có tả hơi thái quá):
      - Lê Quốc Tế người hơi gầy, nhỏ con,với giọng nói Nam bộ, mặc chiếc áo vải katê bộ đội.  
     - Phạm Quốc Trung người hơi đậm, mặt nhiều trứng cá, mặc chiếc áo vải katê bộ đội.  
     - Nguyễn Quốc Hùng, mái tóc xù, râu quai nón, mặc chiếc áo của  QĐ Lào với cầu vai rất rộng.
     - Trần Như Chín thường ăn mặc chải chuốt, với mái tóc xoăn tự nhiên, chải hất ra sau.
     - Nguyễn Văn Bền, Nguyễn Văn Châu với chiếc áo Tô châu dài, bỏ chùng
     - Nguyễn Văn Hiển với chiếc áo bông xanh tím than.

   ( Sau lần gặp mặt 35 năm, qua thông tin của một số bạn tôi thấy chúng ta còn thống kê thiếu một số người sau: Anh Chung - là CB của nhà máy thuốc lá Bắc Sơn - Bắc Ninh; Anh Hồng - là Bộ đội và còn một người tên Tố - người này có liên quan đến việc mất một số đôi dép trắng ).

      Tôi nhớ hôm nhập học ( 28/11/1975) là ngày thứ sáu. Chủ nhật được nghỉ và sáng thứ hai bắt đầu học chính trị tại Hội trường C2.
      Khóa học năm đó, tôi nhớ nhà trường tuyển khoảng 1.200 SV. Ngồi học kín cả hội trường C2. Là một thằng bé ở quê, ra thủ đô còn lạ lẫm nhiều. Được vào ngồi trong Hội trường rộng bạt ngàn, tôi thấy hãnh diện lắm. Nhất là những chiếc ghế có mặt xoay lật, có tựa lưng, tay ngai cẩn thận. Hội trường có rèm che, có loa gắn vào tường và nhất là hệ thống đèn tuyp chiếu sáng rất hoành tráng.
      Là khóa sinh viên nhập học đầu tiên sau ngày thống nhất, chúng tôi được giới thiệu nhiều vấn đề. Trong thằng tôi còn nhớ mãi (và chắc nhiều bạn còn nhớ), có một thầy giáo ở Ban tuyên huấn trường tên là Trí lên nhắc nhở SV : Học đại học khác với học phổ thông, các bạn SV học không cần nhớ nhiều …và đại ý như vậy. Sau đó bị nhắc nhở lên hôm sau sửa sai: Tôi nói với các bạn là: HỌC KHÔNG CHỈ ĐỂ NHỚ. 
      Trong các ngày học chính trị đầu khóa, chúng tôi được biết thêm một số điều:
      Trường ĐHBK năm chúng tôi vào học chỉ có 9  khoa gồm: Khoa Hóa; Khoa Điện; Khoa Chế tạo máy; Khoa Động lực; Khoa Toán -Lý; Khoa Vô tuyến điện; Khoa KSKT; Khoa Luyện kim và Khoa Tại chức. 
      Chúng tôi cũng được biết thêm:
      - Thày Hiệu trưởng nhà trường là thầy Phạm Đồng Điện
      - Bí thư Đảng ủy là thầy Bùi Nguyên Cát
      - Chủ nhiệm khoa Hóa là thầy Nguyễn Hoa Toàn.
      Về khoa Hóa:
      - Người đầu tiên của Khoa Hóa gặp gỡ chúng tôi là Bác Đình, VP khoa Hóa - một người dễ mến (lúc đó chúng tôi đều gọi thế). Ký ức của tôi về Bác: Là một Bác đã già ( khoảng gần 60 tuổi), tóc cắt cao, vuông vức, mặc chiếc áo đại cán cũ màu xanh.
      - Sau này, có một thầy giáo còn trẻ, người nhỏ bé, giọng miền Trung cũng xuống tận KTX để gặp gỡ chúng tôi. Sau này chúng tôi được biết đó là thầy Cung, người được phân công làm chủ nhiệm lớp. Hình như thầy học K14 Hóa được giữ lại trường.
 ( Riêng về Thầy chủ nhiệm lớp cũng có lắm chuyện buồn mà nhiều năm về sau vẫn còn nhiều người nhắc lại)

       Về Hóa K20 từ những ngày đầu

  Trong thời gian nhập trường và tuần học chính trị, chúng tôi được chia ra làm 2 lớp:
- Lớp Hóa Máy được phân chia ngay từ khi nhập học. Lớp trưởng Đ.Hạnh- Phó K.Cách
- Lớp Hóa KT sau này được chia làm 4 tổ: Tổ 1 - Dự kiến Hóa công (Tổ trưởng- A. Chín); Tổ 2 - Dự kiến Hữu cơ-Cao phân tử-Nhiên liệu (Tổ trưởng- H.Quang); Tổ 3 - Dự kiến Vô cơ-Phân bón-Điện hóa(Tổ trưởng- A. Hiển); Tổ 4- Dự kiến Silicat (Tổ trưởng-Quên rồi?). Lớp trưởng H. Chung- Phó T. Diệu.
  Lớp học cũng lộ cộ: Đa số là HS phổ thông sinh năm 56-57-58 và một số ít 59. Một số là cán bộ đi học (A..Thăng; Anh. Vinh; A.Đ.Hưng; A. Chính…); một số là bộ đội, TNXP về (A. Chung; A. Bền; A. Châu; A.Hùng; A. Hai ….) ( À quên, theo tôi nhớ lớp Hóa K20 chúng ta có anh Thăng là già nhất, năm ấy anh đã gần 35 tuổi ( Khi đó gọi là  DẦM SỌI ). Tôi nhớ sau này, vào khoảng năm 1978, con gái anh lên chơi tại nhà B7 cũng đã 13 tuổi- Không phải như ai đó nói  Anh Đại Hưng là nhiều tuổi nhất lớp đâu??? - Biết thì thưa thốt- Không biết thì dựa cột mà nghe người biết).
  Về đoàn thể: Hầu hết là Đoàn viên; có một số là Đảng viên mà sau này đều bố trí làm cán bộ như: A. Chung; A. Chín; A. Bền…
   Tại KTX cũng xếp lại vị trí: Tính từ trong ra ngoài: Tổ 1, Tổ 2; Tổ 3; Tổ 4; HM.
      Kết thúc tuần học chính trị là bước vào học chính khóa. Tôi nhớ học kỳ đầu học các môn: Toán cao cấp (Thầy Bá); Triết học (Thầy già già ? Quên rồi); Nga văn (Thầy Xum); Hình học họa hình (Thầy Sủng; Thầy Hiền); Thể dục (chia tổ- không nhớ ?)...
     Sau này, có thêm một số người khác về với Hóa K20 như A. Đ.Trung bộ đội về học tiếp; A. Thuận và M.Hương chuyển từ khoa Toán- Lý sang. B.Hoa từ lưu học sinh về v.v.
     Thời gian này, khi đã bắt đầu quen nhau, chúng tôi thường hay trêu ghẹo, đùa cợt và đặt tên có đuôi kéo dài như: Nam tút (nhân học Nga văn có câu như vậy); Hồng bansôi…; Hà ướt; Thịnh cận; Chính bạc; Tuấn bis; Hồng dầy cùi; Tuấn mèo v.v. Nhiều khi nghĩ lại thấy vui đáo để !?  
      Vì là thời bao cấp nên, số  BĐ và CB đi học còn được lĩnh lương, có sổ căngtin để mua thuốc lá, bia hơi  v.v. Số HSPT chúng tôi sau này chỉ những đứa đạt HS tiên tiến thì mới được lĩnh học bổng - 4 đồng/tháng. Kỳ sau lĩnh cho kỳ trước.
     Cũng những năm đó, học ĐH không phải đóng học phí. Ngày ấy, chúng tôi thường nói vui, chỉ phải xin bố mẹ 01 hào đóng Đoàn phí. Kể ra, nếu không được cấp học phí, tiền ăn, nhà ở KTX thì chúng tôi nhiều thằng không thể có điều kiện học ĐH được. Rất cảm ơn chính sách của Đảng và Chính phủ khi đó.

1 nhận xét:

  1. Nói chung viết lại thế là chính xác,song tôi cũng comment mấy ý cho thuận hơn.Địa danh ĐHBK thời đó nên bổ xung thế này:Phía Đông là cổng ra phố Bạch mai,phía Tây là cổng Parabol.Phía Bắc(tạm gọi vậy) là đường Đại cổ việt,phía nam trường ĐHKT kế hoạch.Nội thành Hà nội lúc đó:phía Đông là bờ sông,phía Tây là Cầu giấy.Như thế xét về Đ-T thì bách khoa quá rộng rồi.Bạn rất hay là nhắc đến nhà Bát giác,là một phần lịch sử lớn của BK.Nhiều nguyên thủ QG(Tất nhiên là nói đến các khoá trước)học tập và ra vào căn nhà này(Cụ Phạm Thế Duyệt...).Thậm chí chị Quyên vợ anh Trỗi cũng học ở đây.Việc gọi là Thầy Bùi Nguyên Cát là BTĐU là không đúng.Ông Bùi Nguyên Cát nguyên thiếu tá quân đội sang làm BTĐU chuyên trách từ sau hoà bình,qua nhiều đời HT...Không ai gọi ông là thầy,có lẽ gần đây mới có GSBK sang làm chuyên trách BTĐU.Gần đây khi cụ Cát mất,tôi có được anh Trung Cầu Diễn chia sẻ bài viết Ngày ấy bí thư đảng uỷ là to lắm!Có lẽ phải vận động anh T post bài viết này lên blog của chúng ta.Việc cán bộ đi học hưởng lương không phải là do bao cấp,chính sách và luật pháp bây giờ vẫn vậy.Học sinh phổ thông ngoài bao cấp được học bổng cái lớn nhất là được bao cấp về nhà ở ,điện nước ,y tế...Vì vậy càng thương các cháu sinh viên bây giờ ,nếu ở tỉnh xa về học BK thì nhà ở mới là cái lớn hơn nhiều so với cái khoản học phí kia?
    Tuấn mèo comment.Ngay tên tại sao là Tuấn mèo của tôi bạn lại gộp vào khi học tiếng Nga là cũng không chuẩn...

    Trả lờiXóa