CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

11/11/12

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG


NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG
(Tiếp theo)

       Phiếm bàn về cái vé ăn

       Như đã đăng tải từ trước, SV nội trú hàng tháng mỗi người được phát một tờ phiếu ăn có ghi rõ từng bữa, từng ngày. Nếu có kế hoạch từ trước, khi không ăn cơm sẽ xuống quản lý (tên là Chuốt) để cắt. Khi cắt cơm, quản lý đánh dấu cắt cơm vào chính vé đó. Sinh viên giữ lại để hết tháng thanh toán - được nhận lại cả tiền và tem gạo.
       Những khi có khách, báo thêm cơm v.v. thì mang những vé đã cắt xuống quản lý (ngày nào cũng được- miễn là trong tháng đó ) để báo cơm. Quản lý nhà ăn lại ghi vào vé: Báo bữa nào, ngày nào để người phát cơm kiểm tra phiếu và phát cơm cho SV. Chặt chẽ và cẩn thận lắm lắm!?
       Thế nhưng, chính vì chữ “ NHƯNG” này mà kèm thêm bao chuyện rắc rối khác đã xảy ra. Ví dụ:
        Bạn đi chơi đâu đó - như sang trường Y; Sư phạm; KTKH; Giao thông; Tổng hợp; Thủy lợi…. ư?. Được mời ăn cơm ở đó ư? Nếu đã nhận lời mời thì có khi đến 10 giờ tối  mới về. Vé cơm hôm đó không dùng? Cắt không được. Thôi thì để lại với mục đích khác ???    
        Bạn để mất vé hoặc quên vé ư? - xuống nói khó với nhà bếp. Nhiều khi nhân viên phát cơm dễ tính vẫn phát - Sau lại tìm thấy, thế là bỗng dưng có vé thừa. Làm gì bây giờ?  
        Bạn đi chơi, nếu chắc chắn không về. Gửi lại vé bữa đó cho ai ở cùng phòng. Khi đi ăn, người này có trách nhiệm thông báo với mâm đội 3 người: “Chúng ta ăn cơm thôi, còn bánh mỳ tôi mang về cho thằng ở nhà”. Hầu hết các mâm đội đều nhất trí, vừa được ăn cơm, dùng cả thức ăn.
        Nếu bạn có khách đến chơi đột xuất, vì lòng mến khách, cố mời khách ở lại ăn một bữa cơm SVBK. Đầu tiên là phải “tự liên hệ” với các bạn cùng phòng để xin vé thừa, để 5 người ăn 4 hoặc cử 1 bạn nào nào đó ăn ké mâm khác, để mâm mình vẫn có 4 người, miễn sao khách khỏi áy náy là được?
       Đôi khi, việc tự liên hệ không xong đành tìm giải pháp chữa vé. Phải tìm trong số vé cũ số nào dễ chữa như: số 3 chữa thành số 8; số 1 chữa thành số 4 v.v.. Phải hì hục cạo, tẩy, sửa. Sửa số khéo léo, tinh vi lắm. Nếu nhìn qua thì rất khó phát hiện. Khi ấy lại phải để 1 vé thật dự trữ. Nếu bị nhà bếp phát hiện sẽ thay thế ngay để khách khỏi phát hiện ra chủ nhà ăn gian?. Cả bọn đứng tim chờ. Khi người phát cơm kiểm tra xong, cắm vào cọc vé là cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó, sẽ cử một người cầm tấm vé dự trữ đó đi nhập mâm khác. Lấy bánh mỳ về ăn cùng. Nói tóm lại là lôi thôi, rắc rối, phiền phức lắm. Những tình huống nghẹt thở diễn ra thường xuyên. Điệp khúc: Cô ơi, cháu …cháu … liên tục tái diễn.
       Sau này, đôi lúc phải nói về tính trung thực, thật thà …trước lớp trẻ, nhớ về những việc đã làm ngày xưa, tôi vẫn thoáng qua cảm giác xấu hổ. Nói dại, lúc đó có đứa nào mà hỏi: Thưa chú (anh), khi còn trẻ, chú (anh) đã lừa, nói dối ai chưa? Chắc chỉ có nước chui xuống đất….
      Hỡi ơi, những quan chức, những quý ông, quý ngài “đáng kính” hiện nay, khi rao giảng đạo đức cho những người khác, có nhớ về những việc ngày xưa???. Có để lại một góc tâm hồn mà sám hối  không?. Hãy liệu hồn???. “Bọ” mà bảo cho bọn trẻ biết những việc ngày xưa là “ CHẾT ” đó nghe!?   

1 nhận xét:

  1. Nói là được phát vé ăn cũng không đúng.Thực ra là tổ trưởng mua bằng học bổng chuyển sang.Bộ đội ,cán bộ đi học phải nộp tiền vào,vì đã lĩnh lương.Ngoại trú lĩnh nguyên học bổng:nam 18 đồng,nữ 18 đồng rưỡi.Tôi có sai là do nhớ nhầm ,chứ không phải trạng gì cả?

    Trả lờiXóa