CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

7/11/12

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG


NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG
(Tiếp theo)

      Đi xem phim

      Thời gian đầu, trường ĐHBK chiếu phim (phục vụ là chính) tại Hội trường C2, vé xem phân chia cho các Khoa, các lớp. Hội trường C2 tầng dưới có khoảng 1.000 chỗ, các cửa kính được che rèm xanh. Tầng trên có một số ghế phụ (khoảng 200) ở dọc hành lang phía trong. Có thể chiếu phim cả ban ngày, thậm chí chia làm các ca. Nhiều năm về sau, Hội trường C2 cũng không có thay đổi đáng kể. Chỉ bổ sung thêm một số phòng làm việc, nhà WC ở khoảng đất trống cuối C2, sát C1. Phim khi đó hầu hết là phim mới phát hành. Ví như chiếu phim “MỐI TÌNH ĐẦU”. Đây là phim mới, tôi cũng đã được xem phim này nên còn nhớ, ở bộ phim này có đoạn xé áo Như Quỳnh hở cả phụ tùng ra. Tuy nhiên, vì “Thương” học sinh BK còn trẻ người, non dạ, sợ học tập những việc không đáng học nên ai đó đã lấy tay che ống kính làm dấy lên dư luận phản đối. Sau này, hình như từ khi Th.Cung lên làm tuyên huấn (về sau cả anh V.Cường cũng kết hợp làm), nhà trường còn tổ chức kinh doanh, bán vé tại nhà F- Bây giờ gọi là kinh doanh có điều kiện. Tức là quy định mỗi lớp được mua tối đa bao nhiêu vé???. Phim lúc này chủ yếu là phim tự khai thác, phim tâm lý xã hội hoặc tình cảm không ướt át.

       Tôi nhớ khi đó SV khoa Hóa đã chuyển về ăn tại nhà ăn số 3. Khi đi ăn cơm, phía trước nhà F thường đập vào mắt là 1 tấm biển thông báo chiếu phim (như quảng cáo bây giờ). Vé được bán qua một cửa tò vò, nếu bị chen lấn, xô đẩy dễ dẫn đến rơi rụng đồ. May mà khi đó không có kẻ chôm đồ sống lẫn với SV. 
     Tôi cũng đã vài lần mời bạn từ thời học phổ thông tại các trường ĐH khác đến C2 xem phim và cũng đôi lần nhận " lời mời" đi xem cùng với bạn của bạn (chủ yếu là bạn gái). Phải thiết kế thật chi tiết: Nào là phải đến mời, sau đó là mua vé, lại phải đến hẹn ngày xem hoặc phải đến tận nơi đón. Khi xem xong lại phải đưa trả về. Nhiêu khê, phiền phức lắm!?. Giá như ngày ấy có điện thoại di động như ngày nay thì hay biết mấy???. Mặc dù vất vả như vậy nhưng khi đó, chúng tôi không nhằm mục đích gì cả. Chủ yếu là giới thiệu về trường ĐHBK mà thôi. Ngồi sát bên bạn gái khi đó mà không dám ho he, thậm chí còn run bần bật. Hãi... Mãi về sau, bạn của những thằng chúng tôi vẫn còn nhắc lại....và nuối tiếc....   
   Suốt thời gian học tại trường, ngoài những buổi xem phim tại C2, tôi nhớ còn được xem phim tại bãi. Bãi chiếu phim đây là sân vận động BK. Đơn vị nào tổ chức thì chúng tôi không biết, mà khi đó cũng chẳng quan tâm. Chỉ biết được xem ở đó mấy lần. Hình như có một hôm ở đây chiếu phim “Trên từng cây số”. Phim này khi ấy đã chiếu trên truyền hình rồi, nhưng đây là lần đầu chúng tôi được xem phim màn ảnh rộng về Dianov và Bombov. Ngoài ra, tôi còn được xem phim: “Vĩnh biệt chim câu” cũng ở đây.
     Sau này, khi học lớp SQDB, đơn vị bộ đội cũng tổ chức chiếu phim ở bãi đất trước nhà B13. Khi xem phim phải xếp hàng, ngồi đàng hoàng. Đợt học SQDB trùng với đợt anh Phạm Tuân bay vào vũ trụ nên còn được xem truyền hình trực tiếp ở phía sau nhà B13. Lúc này tự do, ngồi tùm lum chứ không phải xếp hàng.
     Hỡi những bạn máu xem phim khi đó. Hỏi những ai còn nhớ???
     Xung quanh chuyện xem phim, khi đăng lần trước, có bạn chia sẻ về việc mình chen mua vé tụt cả đồng hồ…có bạn chia sẻ vụ mình cùng một vài bạn đột kích vào xem và bị săn đuổi đã tụt ống thoát nước để trốn…Xin thống kê lại để cùng chia sẻ .    

    Những buổi lao động

     Cứ vào dịp hè, chúng tôi lại được bố trí lao động công ích khoảng 1 tuần. Vì đây là những hoạt động ngoại khóa nên có thể lộn xộn về thời gian. Mong các bạn lượng thứ.
      Hè năm thứ nhất, chúng tôi được giao đào rãnh thoát nước hai bên đường đoạn  từ đầu nhà B5 ra đến nhà B8. Đoạn đường này dài khoảng 400m, hai bên đường có hàng cây xà cừ đã khép tán. Lúc đó, mặt đường đã rải cấp phối, rất rắn chắc. Rìa đường đã có rãnh thoát nước nhưng lộ cộ, to bé không đều. Chúng tôi phải hì hục đào đất, phá rễ cây, moi gạch vỡ, đá chèn để tạo rãnh thoạt nước. Thủa ấy, có một ông già khoảng 50 tuổi, thường hay xách chiếc túi hai quai bằng vải giả da (hiện nay thuộc hàng quý hiếm) được giao theo dõi thi công. Tôi nhớ khi đó ông ấy không biết phải đo nghiệm thu rãnh thoát nước hình thang như thế nào nên bạn Tú Tĩnh xui ông ấy lấy que buộc thành hình thang một đoạn nào ông ấy ưng ý nhất. Sau đó cứ cố định như vậy và đi ướm các chỗ khác. Cũng tưởng nói đùa cho vui, nào ngờ ông ấy rất tâm đắc, bắt mọi người phải làm đúng như thế. Thật là tự mình hại mình. Vì chuyện này mà bạn H. Kỳ cứ cười mãi….      

     Hè năm tiếp theo, chúng tôi phải đi vét sông Kim Ngưu, khu vực làng Mai động. Khi đó tôi nhớ phải đạp xe qua cầu Mai động, rẽ phải đi thêm khoảng hơn 1 km. Khu vực đó ngày ấy chủ yếu trồng rau muống, dân cư còn thưa thớt. Ngày đó thủ đô mở “chiến dịch” vét sông, như kiểu thanh niên tình nguyện bây giờ. Cũng cờ quạt, biểu ngữ, loa đài, hò hát ầm ĩ, rôm rả lắm.
      Tiếp đến là năm đi đào sông Tô Lịch, hình như đoạn gần hồ Tây thì phải (lâu quá quên mất rồi). Chỗ đó, đất đai còn bạt ngàn, nhìn hút tầm mắt. Khu vực ấy khi lao động phải đào hồ sâu lắm, rất nhiều cấp xuống, lại có cả máy bơm nước liên tục. Chẳng biết bây giờ khu vực đó làm gì? Hay lại đổ đất làm nhà cao tầng hết cả rồi?
      Rồi còn đợt đi lao động ở khu vực phía trong gò Đống đa. Hình như chỗ Thái Hà bây giờ hay sao ấy?. Chỗ này làm ít hơn, hình như có vài ngày thôi.
     Cũng có lần còn làm phục vụ xây dựng khu nhà cao tầng đang xây trên đường ra cổng phụ Bạch Mai. Đi qua khu nhà A cũ của Pháp xây là đến. Ở đó cũng bê gạch, xúc cát, vận chuyển bê tông đúc sẵn. Nói tóm lại là đi “ vô sản hóa”.    
      Công bằng mà nói, qua những đợt lao động công ích, suy nghĩ, hành động của những thằng SV chúng tôi cũng dần định hình. Thật phải cám ơn những buổi lao động như thế !?

1 nhận xét:

  1. Xin bổ xung thêm hai ý cho chân thực hơn.
    1)Xem phim & nhưng cái khác nữa ở C2.Bách khoa thời đó những sản phẩm văn hoá thường được ưu tiên trình chiếu và công diễn gần như đầu tiên.Ngay bộ phim mối tình đầu,có chiếu ngoài rạp song không thể nào mua nổi vé.Nhiều rạp bị vỡ ,công an cũng chả làm gì được với đội ngũ phe đông đảo...Lá sầu riêng kịch nói Kim cương cũng được diễn ở C2,lúc đó nhiều rạp lớn cũng không mời được...Rồi Ba chàng ngự lâm màu màn ảnh rộng lấy được của Pháp.Ông nào mà có bạn gái mời vào C2 xem phim thì là nhất rồi.Tôi nghĩ là còn hơn tặng bạn gái một xe máy bây giờ...
    2)Lao động công ích ở Kim ngưu có cả các thày tham gia,xem các ông lao động cũng lắm cái vui...

    Trả lờiXóa