CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

22/3/14

TẠI...

     
        Gia đình tôi vốn gia giáo, nề nếp vì bố tôi là giáo viên trường làng. Ông rất nghiêm khắc trong dạy dỗ, lựa chọn nghề nghiệp cho con, cho cháu. Chính vì vậy, cả tôi và chú em đều theo nghiệp “gõ đầu trẻ”. Tuy nhiên, đến thằng Cường, con trai chú em tôi thì ông cụ đành bất lực. Một phần vì nó mải chơi, học kém nên khi thi trượt đại học, nó nằng nặc xin đi học nghề. Thôi thì cũng đành vậy…
       
         Thằng Cường sau khi học xong, kèm với tấm bằng công nhân kỹ thuật cơ điện về thì trên cẳng tay nó có thêm hình xăm một con dao nhọn đâm xuyên vào trái tim nhỏ máu, hai cánh tay xăm hai con rồng uốn lượn, nhe răng phun lửa. Trông gớm chết?  

        Trước khi mất, ông cụ vẫn canh cánh nỗi lo vì thằng Cường chẳng giống ai. Sau này tương lai nó ra sao? Tuy nhiên, bề ngoài có vẻ dữ dằn thế nhưng nó rất ngoan và lễ phép.  Sau khi ông mất, nó buồn lắm. Nó xin làm bảo vệ kiêm trông giữ xe cho một siêu thị gần nhà, thời gian còn lại nó làm thêm tại một hiệu sửa xe máy kiêm xưởng cơ khí. Thôi, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy... 
        Từ khi thị tứ quê tôi trở thành thị trấn thì đời sống nhân dân cũng được nâng cao, cửa hàng, cửa hiệu mọc lên, nhà cửa khang trang, đẹp đẽ hơn…Tuy nhiên, đi kèm với những điều tốt đẹp hơn thì cũng xuất hiện nhiều hệ lụy, nhiều phiền toái, phức tạp. Đơn cử như ngõ vào nhà tôi, trước đây rộng rãi, thoáng mát là thế mà giờ đây chỉ còn chưa đầy hai mét rộng do nhà nào cũng xây cất tường bao, công trình phụ sát ngõ chung. Cũng vì phương châm “Tấc đất tấc vàng” nên buổi tối có một mụ bán ốc luộc ngồi ké ngay đầu ngõ. Lúc đầu, mọi người cũng thông cảm, cho mụ ngồi nhờ. Sau này, khi khách đã quen, mụ cứ lấn tới và mở rộng ra mãi. Bực nhất là ngõ chung nhưng mụ cứ làm như đất của nhà mụ. Mụ cho láng vữa xi măng khu vực ngõ, trương biển “RƯỢU ỐC” và chập tối là kéo điện ra bán hàng. Thế là khi đêm về, tiếng người nói, tiếng xe máy gầm rú, tiếng nói tục, chửi thề, tiếng nôn ọe, nhạc nhẽo rên rỉ thâu đêm phá nát sự yên tĩnh của khu dân cư.     
         Khi sự việc đã quá tầm kiểm soát, khu dân cư họp và yêu cầu mụ không được lấn chiếm ngõ chung, không được bán hàng quá khuya, và nhất là không làm huyên náo, ầm ĩ khu vực. Thế nhưng, nào đâu có được, càng nhắc nhở thì số khách hàng của mụ càng làm quá, như thể trêu ngươi. Chúng còn dọa dẫm, quát nạt, chặn đường các cháu nhỏ, phụ nữ có việc phải đi qua ngõ về đêm. Thật hết chỗ nói.
        Một hôm, ông tổ trưởng và bà phụ nữ khu vào nhà tôi đề nghị tôi giúp đỡ để “tránh phát sinh thêm phức tạp”, nhất là điểm bán rượu ốc về đêm. Tôi bảo: các vị đã họp, nhắc nhở, kiểm điểm mãi mà không chuyển biến thì tôi làm sao giúp được?. Họ bảo, hiện giờ chỉ có tôi là giúp được? Tôi nói, tôi cũng bức xúc lắm, nhưng sức người có hạn, tôi chẳng thể làm được?. Họ liền nói: Các cụ đã dạy “Lấy độc trị độc”, nhờ bác nói với anh Cường con chú Kiên một tiếng, nhờ anh ấy giúp cho, chắc chắn sẽ được?. Tôi phì cười bảo: Thằng Cường cháu tôi sao làm được việc ấy? Nếu các vị đã tin rằng nó làm được thì tôi sẽ bảo thằng Cường? Tuy nhiên, tôi không chắc nó giúp được đâu?     
         Khi tôi điện bảo thằng Cường là khu dân cư chỗ tôi nhờ nó “dẹp” quán rượu ốc đầu ngõ, nó nhận lời ngay và bảo tối nó đến nhà tôi chơi. À mà tôi quên chưa nói, gia đình tôi vẫn ở nhà của bố mẹ còn chú em tôi dạy học ở trường khác nên không ở cùng khu. Tối, nó đến thật, tôi bảo nó: Cháu xem có giúp khu “dẹp” cái quán ốc đầu ngõ được không, chí ít thì bảo mụ bán hàng đừng bành trướng quá, nhất là đừng bán khuya và bớt ầm ĩ một chút cũng tốt lắm rồi. Nó bảo, đấy là chuyện nhỏ, cháu đã nhắc bà bán ốc rồi?. Nói xong nó chào tôi để về.

          Bán tín bán nghi, tôi theo nó ra ngõ thì quả thật, quán ốc đã dẹp hẳn sang một bên, người ngồi cũng gọn gàng, nói năng cũng từ tốn, nhỏ nhẹ. Khi nhìn thấy nó và tôi đi qua, mọi người còn chào nó và tôi rõ to chứ không phùng má trợn mắt như các bữa khác. Không biết nó làm cách nào mà cảm hóa ngay được bà bán rượu ốc và những đệ tử lưu linh này không biết?    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét