CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

4/10/14

KỂ CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Bắt châu chấu
          Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 vụ lúa nối tiếp nhau. Vụ lúa chiêm, cấy sau tết Nguyên đán, thu hoạch vào khoảng tháng năm âm lịch và vụ mùa, cấy vào tầm tháng sáu và thu hoạch khoảng cuối tháng mười.
          Thông thường, khi lúa làm đòng cũng là lúc châu chấu nở (một số vùng đồng bằng sông Hồng gọi là cào cào). Đến khi gặt rộ thì châu chấu đã trưởng thành, béo mẫm. Có những năm, châu chấu phát triển nhiều, trở thành dịch. Những năm đó, bọn châu chấu bay thành từng đàn, phá hại, ăn trụi  rau màu, lúa má.

         Cuối vụ thu hoạch, khi chỉ còn lác đác vài ruộng lúa cấy muộn, còn xanh cũng là lúc châu chấu tụ tập trung vào đó trú ngụ và tàn phá. Đây cũng là thời điểm đi bắt châu chấu hiệu quả nhất.
          Bắt châu chấu quy mô lớn nhất khi đó là dùng dậm bắt cá để vợt. Sáng sớm, khi sương còn đọng trên lá, cứ vác dậm tiếp cận đám lúa rồi chao lên phía trên là châu chấu bay rào rào vào dậm. Lúc đó chỉ việc nghiêng cánh dậm và lắc cho chúng dồn vào góc là bốc cho vào bao. Quy mô nhỏ hơn là dùng vợt, vừa lội xuống ruộng vừa quơ, khi chụp được kha khá châu chấu thì túm miệng vợt lại, gom gọn xuống dưới rồi dốc ngược vợt dồn hết vào bao.    
         Riêng đối với trẻ con thì chỉ cần một gậy bằng tre, cán dài khoảng 0,8 -:-1,0m, đầu gậy đan vỉ ruồi hình tam giác cân, cạnh khoảng 10 -:-15cm và một chai thủy tinh là có thể bắt châu chấu. Khi đi bắt châu chấu, chúng tôi phải rủ đông người đi, cứ men theo bờ ruộng, khua cho châu chấu bay lên, và khi chúng đậu xuống thì giơ vỉ lên đập. Bị vỉ đập trúng, châu chấu lăn quay ra chết hoặc ngất đi. Lúc đó chúng tôi chỉ việc cúi xuống tóm gọn cho vào chai. Miệt mài khua khua, đập đập chừng vài tiếng là có thể được một chai đầy. 
         Châu chấu mang về sẽ được dốc vào nồi nước sôi cho chết, sau đó được vặt cánh và cẳng chân rồi rang với nước cà muối. Vị chua của nước cà muối làm châu chấu trở nên giòn, nếu cho thêm chút mỡ lợn và lá chanh thái nhỏ sẽ rất thơm ngon. Sau vài chục năm, châu chấu rang nay đã trở thành đặc sản.  

2 nhận xét:

  1. Xem ra những món ăn mà chúng ta đã từng tận hưởng thì nay trở thành đặc sản phục vụ người giàu. Hơn nữa, việc kéo bầy đàn bắt cua cá rèn luyện cho lũ trẻ tránh được các chứng bệnh như béo phì, tự kỷ... Ngày xưa ơi, xin cám ơn Người!

    Trả lờiXóa
  2. Châu chấu là châu chấu, cào cào là cào cào, hai con này khác nhau bác ơi, châu chấu nhỏ đầu tròn, thân hơi bóng, cào cào to hơn đầu nhọn, màu xanh nhạt khi cầm hai chân nó thì đầu cứ gật gật cho nên mới có câu :
    Cào cào giã gạo cho tao .....

    Châu chấu thì không như vậy, Nếu ở nơi nào đó họ gọi châu chấu là cào cào, vậy cào cào họ gọi là gì nhỉ?. Còn có con muỗm nữa to gần ngón tay, răng rất sắc, để bắt được nó đôi khi cũng bị cắn rất đau, thân hình muỗn giống châu chấu nhưng to . Những năm 60 trước đây, ở vùng thành thị cận làng quê, ven Hà Nội đến mùa cứ tối về ở chỗ nào có đèn điện sáng là châu chấu tụm lại bâu quanh, tha hồ bắt được cả rổ, sáng sau rang với mỡ ăn thì tuyệt. Cũng có cả dế nữa, nào dế mèn, dế trũi lúc đó bọn trẻ chúng tôi khỏi phải mất công đi đổ dế, lượng dế bắt được hơn đi đổ dế (là dùng chai đổ nước vào các hang dế để nó chui ra rồi bắt) cũng nhiều nhưng vẫn ít hơn châu chấu. Còn có cả cà cuống nữa các bác ạ. Dân thành thị hồi đó ăn bánh cuốn với nước mắm (chắc chạy qua hàng mắm thôi, hồi đó nước mắm hiếm, nên họ đổ thêm nước pha với muối ) cà cuống, giá 1 con cà cuống bằng nửa đĩa bánh rồi các bác ạ, mà con cà cuống người ta chỉ cần năn ra ở đít nó vài giọt tinh dầu của nó thôi. Không biết dao này châu chấu, đi đâu hết cả, đặc biệt là cà cuống, mấy chục năm rồi không thấy nó. Bây giờ thay cho cà cuống người ta dùng bột ngọt. Ôi dào lại nói về bột ngọt, dạo tôi còn nhỏ ở gần 1 quán phở, cả nồi nước phở to người ta chỉ cho 1 thìa cà phê mỳ chính, (đựng trong một hộp sắt có nắp như bao thuốc lá), bây giờ thì một bát phở họ bỏ đến mấy thìa!

    Cựu SV k18 TL

    Trả lờiXóa