CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

14/9/15

LÃO HOÀNH

      Lão Hoành có một kho vũ khí sát thương đáng để bọn tôi bàn luận. Đầu tiên phải kể đến là con dao găm. Đây đích thực là vũ khí cận chiến, bởi vì lão luôn mang theo bên người. Lưỡi dao hình lá lúa, mũi nhọn và rất sắc, dài khoảng hai mươi phân và rất ít khi rút ra khỏi bao da. Cán dao là hai miếng sừng trâu được ốp vào thân dao bằng hai chiếc đinh tán. Sở dĩ tôi biết rõ về con dao găm của lão Hoành là có lý do của nó. Chuyện là thế này: Bố tôi mặc dù kém lão Hoành mấy tuổi, nhưng lại dạy lão trong phong trào Bình dân học vụ, nên lão kính trọng và gọi bố tôi là thày giáo, gọi tôi là chú, xưng anh. Một hôm, tình cờ lão gặp bố con tôi nên khẩn khoản mời vào nhà lão chơi. Lúc bố tôi và lão ngồi uống nước ở hiên thì tôi được thỏa thích xem những vật dụng của lão. Lúc tôi rút lưỡi dao găm ra khỏi vỏ, bố tôi nhìn thấy lưỡi dao găm liền quay mặt đi. Lão Hoành chắc đoán được lý do vì sao nên thu lại con dao găm trên tay tôi và xin lỗi bố tôi. Lão kê mũi dao găm vào miệng cái cối đá rồi lấy con dao rựa chặt phăng mũi nhọn của con dao đi và mài tròn đầu dao lại. Từ đó, con dao găm của lão nhìn đỡ sát khí hơn, thân thiện hơn.

Vũ khí thứ hai là chiếc nỏ. Thân nỏ bằng gỗ, được đẽo gọt cẩn thận, chỗ rộng nhất của thân có đục lỗ để tra cánh nỏ, phía trên có rãnh dọc thân nỏ để đặt tên, cuối rãnh tên được tạo bậc để gài dây và lẫy nỏ để đẩy dây khi bắn. Cánh nỏ được vót bằng tre, thuôn hai đầu. Dây nỏ nghe đâu được làm từ ruột mèo phơi khô, rất dai và bền. Mũi tên được vót bằng tre, một đầu nhọn, đầu kia cắt bằng, gắn cánh để định hướng. Nghe đồn nỏ của lão Hoành bắn xa trăm thước, chả biết có đúng không?   

Kho vũ khí của lão Hoành còn một cây giáo, cán giáo bằng tre, đốt ngắn, thẳng và dài khoảng hơn hai mét, mũi giáo được rèn từ sắt, hình búp đa, đầu cũng nhọn hoắt. Nghe đồn cây giáo này lão mang từ miền ngược về, song chưa ai thấy lão sử dụng vào việc gì? Lão Hoành còn một cây đinh ba, cán bằng tre, thuôn đều, dài hơn ba mét. Đinh ba được rèn từ sắt, gồm ba mũi, ghép thành mặt phẳng, cách nhau khoảng phân rưỡi, dài khoảng hơn chục phân. Mũi được rèn từ sắt vuông, có ngạnh, nhọn và sắc. Cây đinh ba này lão chủ yếu dùng để đâm cá ở sông. Một khi đã mang cây đinh ba ra bờ sông thì lão đều mang theo chiến lợi phẩm về, hẻo lắm thì cũng là một con cá lăng chứ ít khi lão về không lắm?  

1 nhận xét: