Khi chúng tôi học môn Hóa công, đã làm đồ án môn học về thiết bị, về chuyển khối, chưng cất, cô đặc v.v.. Lúc này, bộ môn Hóa công phụ trách hướng dẫn chúng tôi thực tập.
Đợt thực tập này, tôi và một số bạn xuôi phương Nam, về vùng quê Thường Tín để đến Nhà máy đường Vạn Điểm.
Khác với các đợt thực tập trước đó. Khi về Nhà máy đường Vạn Điểm, nhóm tiền trạm đã liên hệ để chúng tôi được ở trọ tại nhà dân trong thôn Vạn Điểm, cách Nhà máy chừng 2km. Khu vực này là khu thuần nông nên nhân dân cho chúng tôi ở nhờ, không có yêu cầu gì cả. Làng Vạn Điểm thuộc diện làng cổ, giữa làng có một giếng nước to, có bờ bao, tường xây. Đường làng hầu hết lát gạch nghiêng. Do ở trọ tại các nhà dân nên chỉ ở được khoảng 2 -:- 4 người/nhà. Cuối làng có một ngôi chùa, cũng có một số bạn được ở đó. Tuy nhiên, từ nơi ở trọ đến nhà máy cũng khá xa, bọn nội trú chúng tôi nhiều thằng không có xe nên lại được đi nhờ xe đạp của các bạn ngoại trú.
Nhà máy đường Vạn Điểm khi đó chủ yếu thu nhận mía nộp nghĩa vụ của các xã trồng mía dọc bãi sông Hồng để sản xuất đường kính trắng. Ngoài ra, còn tẩy trằng đường vàng Cu ba (đường hoa mai) để phân phối theo tiêu chuẩn tem phiếu lúc đó. Phụ phẩm gồm mật rỉ đường được cho lên men thành rượu mùi, bã mía được lựa chọn: nếu tốt được chuyển sang sản xuất giấy, bìa cacton, nếu xấu sẽ hóa giá bán làm chất đốt, phân bón v.v.
Sơ qua dây chuyền sản xuất của Nhà máy như sau:
Mía nguyên liệu được vận tải (cả theo đường bộ hoặc đường thủy, khi đó nhà máy có cả một cảng lớn trên sông Hồng) về kho chứa nguyên liệu, sau đó được cẩu vào băng tải chuyển đến máy chặt khúc, băm sơ bộ rồ chuyển sang máy ép. Bã mía sau khi ép được băm nhỏ rồi chuyển sang phân xưởng làm bột giấy. Nước mía sau ép được chuyển qua công đoạn làm sạch, lọc bỏ tạp chất , tẩy trắng và cô đặc. Khi đến điểm bão hòa được chuyển sang kết tinh và quay ly tâm. Sau đó, đường được sấy khô và đóng bao, đưa đi tiêu thụ.
Nói thì đơn giản thế thôi nhưng, hầu hết các loại thiết bị hóa chất mà chúng tôi được học trong môn Hóa công đều góp mặt ở đây. Từ nghiền, ép, lắng, lọc, ly tâm đến trao đổi nhiệt, chưng cất, cô đặc, kết tinh, chuyển khối v.v đều có cả. Phải nói rằng, đây là kỳ thực tập rất quan trọng. Sau đợt thực tập này, những Kỹ sư Hóa tương lai được học hỏi mở rộng tầm hiểu biết cũng như trang bị nhiều kiến thức thực tế.
Ví dụ: Nhà máy có một lò đốt lưu huỳnh để cung cấp khí SO2, một lò nung vôi để sản xuất sữa vôi phục vụ công đoạn tẩy trắng đường. Có các thiết bị trao đổi nhiệt kiểu ống trong, ống ngoài. Có thiết bị chưng cất, bốc hơi, cô đặc, kết tinh đường. Có thiết bị lắng, lọc, ly tâm, sấy chân không đường v.v. Tại đây, chúng tôi đi sâu tìm hiểu, vận dụng các kiến thức đã học để đối chiếu với thực tế nên cũng học được một số kinh nghiệm, một số mẹo vặt để sau này ra “thi thố” với đời???
Tôi còn nhớ, công nhân làm việc tại khu vực cô đặc nước đường rất nóng. Nhiệt độ tại nơi đứng thao tác phải cỡ 45 độ C. Những người lao động ở đó có sáng kiến buộc một tấm vải bạt phía dưới lồng của chiếc quạt công nghiệp sau đó đổ nước vào vừa chạm đến cánh quạt. Khi quạt hoạt động, từng giọt nước nhỏ li ti bắn ra theo hướng gió làm giảm nhiệt độ và làm ẩm vùng vi khí hậu quanh người lao động. Quả là một sáng kiến hay khi đó? Đến bay giờ, nhìn thấy quạt phun sương tôi lại nhớ đến chiếc quạt công nghiệp và sáng kiến đó.
Cũng trong thời gian ở trọ tại nhà dân thôn Vạn Điểm, một số bạn ở ngoại trú (tức là các bạn có gia đình ở nội thành HN,không ở KTX cùng bọn tôi), vào ngày nghỉ đã tự tìm hiểu và biết cách chọn mua, biết cắt tiết và làm thịt vịt. Ngày ấy, có bạn vì chưa biết làm thịt vịt nên vừa xem để học hỏi rồi lại về áp dụng để làm lông vịt. Kể ra cũng vui. Hẳn một số bạn còn nhớ !?
Lại cũng có bạn sang chùa chơi và học tát nước gầu dây tại mấy thửa ruộng bên chùa. Cũng xoạc chân, vung gầu, co kéo hai tay để múc và hắt nước lên ruộng. Có khi nước bắn tung tóe, gầu quay lông lốc hoặc lưỡi gầu múc cả vào bờ. Sau một hồi tập, rút kinh nghiệm, rồi cũng có kết quả. Cũng hắt được nước lên ruộng trên. Vui đáo để?
Cũng tại Nhà máy Đường Vạn Điểm, chúng tôi được biết đến một tình yêu đẹp theo đúng nghĩa. Đó là của một chị Cán bộ kỹ thuật (Kỹ sư hẳn hoi- Tên gì quên rồi ) với một anh công nhân. Chị kỹ sư này đã công tác ở nhà máy từ khi Mỹ còn bắn phá Miền Bắc. Thời gian này chị bị thương và mất đi cánh tay trái (trên khuỷu tay), cũng trong thời gian này, có một anh công nhân còn trẻ, đẹp trai và ít hơn tuổi chị thường xuyên gần gũi, động viên và giúp đỡ chị vượt qua khó khăn. Sau đó, được bạn bè, đồng nghiệp động viên, khuyến khích nên hai anh chị đã tiến tới hôn nhân. Năm chúng tôi thực tập tại Nhà máy, hai anh chị đã có một cháu gái. Nhà máy cũng rất tạo điều kiện cho cặp vợ chồng này như bố trí công việc cho chị đơn giản là lấy số liệu nhập nguyên liệu, cấp nhà tập thể v.v.. Đến bây giờ, không biết cặp uyên ương này ra sao?. Cháu gái đầu chắc giờ đã có gia đình?. Anh chị đã thành ông bà ngoại? Chúc cho tình yêu của họ vững bền mãi mãi?
Thật lòng mà nói, nhiều năm sau này, đôi khi tôi cứ lấy gương cặp uyên ương này ra để tâm sự với đồng nghiệp mỗi khi cặp đôi của họ có khó khăn hoặc xảy ra sự cố. Không dám khuyên bảo họ điều gì, tôi chỉ kể lại cho họ nghe như là một dẫn chứng về một tình yêu bền chặt, không so đo, không tính toán thiệt hơn để họ suy ngẫm !?
Tình yêu của Mac và Gienny theo tôi có lẽ cũng chỉ đến thế? Còn các bạn, các bạn nghĩ sao???
Các bố đi Vạn Điểm sươớng thật. Bọn này đi nhà máy Rượu Hà Nội chả có vị gì.
Trả lờiXóa