CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

6/11/12

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG


NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP TRƯỜNG
(Tiếp theo)

    Đi tàu điện

     Hà nội những năm 70 ngoài các âm thanh hỗn tạp của cuộc sống đương đại còn có tiếng leng keng của tàu điện. Thực ra, tàu điện cứ lừ lừ chạy chứ không ồn ào (chẳng thế mà bảo lừ lừ như tàu điện), tiếng leng keng là tiếng chuông báo khi tàu chạy.
     Vài nét về tàu điện: Tàu điện chạy theo đường ray sắt đặt chìm ở giữa đường phố, kết hợp làm cực âm, phía trên có đường điện trần là cực dương kéo dọc tuyến. Toa tàu cũng tương tự tàu hỏa nhưng đơn giản hơn, cũng có hai hàng ghế dọc hai bên tàu cho khách ngồi. Toàn bộ khoảng trống ở giữa là người đứng hoặc để hàng hóa của khách. Tàu cũng có từng toa riêng biệt. Toa đầu có bộ phận đóng điện, điều chỉnh điện vào động cơ, khởi động, phanh, hãm ở đây cả. Toa cuối có một cần tiếp điện, phía đầu có puly, khi hoạt động liên tục tiếp xúc với dây điện nguồn phía trên. Khi nghỉ, khi quay đầu, anh phụ sẽ kéo cần đổi hướng hoặc buộc vào nóc toa nhờ một sợi dây thừng dài. Sàn tầu so với mặt đường khoảng 45cm, có 2 bậc: bậc trên khoảng 20cm, bậc dưới cách mặt đường khoảng 25cm. Chính tầu điện và cái bậc dưới này làm không ít SVBK ngã sấp, ngã ngửa hoặc chỏng bốn vó lên trời ???. Cũng may, không có trường hợp nào bị chấn thương, gãy chân, gãy tay, chảy máu.

     Vé tầu điện có 2 loại: Loại suốt tuyến có giá 1 hào, loại chặng ngang có giá 5 xu. Anh bán vé có một cái cặp bằng bìa cứng kẹp các loại vé có màu khác nhau rồi đi hỏi từng người. Tiền trao, vé xé, giao nhận đàng hoàng. Rất thoải mái.Tuy nhiên, nhiều khi 5 xu chúng tôi cũng chẳng có nên phải ăn gian, dùng vé cũ để trốn. Chúng tôi truyền cho nhau kinh nghiệm như sau: Trong túi phải tích cóp đủ các màu vé, mà cái vé tàu điện khi đó chỉ bé tí tẹo, chỉ to cỡ hơn ngón tay cái. khi thấy anh bán vé xé loại vé màu gì phải khẩn trương lấy ra, lật sấp mặt vé xuống và ngậm vào mồm, lại ra đứng ở gần cửa, thậm chí còn hát vài câu, làm ra vẻ ta đang chuẩn bị xuống. Nếu anh bán vé đi qua là trót lọt. Đôi khi vớ phải anh bán vé tinh tường, hỏi lên từ đâu hoặc bắt cho xem vé là … chết !!!. 
      Khu vực trường ĐHBK nằm giữa 2 tuyến đường tàu điện. Đường Chợ Mơ-Bờ Hồ chạy dọc Bạch Mai, Phố Huế. Điểm SVBK hay lên, xuống là ô Cầu Dền. Đường Ngã tư Vọng- Cửa Nam chạy dọc đường Nam bộ. Điểm SVBK hay lên, xuống là ngã tư Kim Liên.
      ...
     Tôi còn nhớ, sau một thời gian đi, tìm hiểu và ngã tàu điện, cả bọn kéo nhau về KTX phân tích, áp dụng lý thuyết vật lý, vận tốc, động năng... đủ cả. Nào là tầu điện chạy với vận tốc V, ta đứng ở sàn tầu có vận tốc cùng với tàu. Khi nhảy xuống, muốn đứng xuống đường thì vận tốc bằng O. Áp dụng này nọ, vân vân và vân vân. Phân tích, lập luận hay lắm, đúng lắm. Không thằng nào phải bàn cãi nữa. Cả bọn kéo nhau ra áp dụng thử. Ngã; Lại ngã tiếp; Ngã sấp; Ngã ngửa cũng đủ cả. Hóa ra chỉ là một bọn LÝ THUYẾT XUÔNG. Trong khi, nhiều thanh niên, thiếu niên Hà Nội nhảy tàu vù vù nhưng chẳng sao cả. Tại sao ???. Hỗi ôi, sau này, khi đã có chút ít kinh nghiệm trong cuộc sống mới thấy: “Không có thực tế thì làm việc gì cũng hỏng”
                                    
       Đi công viên

       Những năm đó, công viên Lê nin ( Hồ Bảy mẫu), cây cối còn đa dạng, nước hồ còn trong xanh, hồ còn thả cá v.v. Phía bắc hồ có quán gió Công viên, quán bán các loại nước giải khát, thuốc lá, đôi khi còn bán cả bánh ga tô …
       Bọn chúng tôi, những tối rỗi rãi, những ngày nghỉ chắng biết làm gì, hoặc là sau khi thi hết một môn đạt điểm như ý (có khi chỉ là 3 điểm thôi, không kỳ vọng điểm cao hơn). Mấy thằng rủ nhau đi bộ ra quán gió công viên tự thưởng một chầu cà phê (đen hoặc sữa - có đá) - Khi đó cũng chẳng có tiền để mà thưởng thức các mặt hàng xa xỉ khác !?. Sau này, cửa hàng còn bán caphê kèm với thuốc lá nên cũng tiện cho những thằng nghiện.
       Ở khu giữa công viên, có một chiếc cầu cong dẫn ra hòn đảo lớn giữa hồ. Cách đó không xa còn một hòn đảo nhỏ nữa nhưng không có lối ra. Chỉ ở trên bờ ngắm thôi. Phía đường Đại Cồ Việt, gần cây đa Bác Hồ có nhà cho thuê thuyền pê rít xoa để bơi. Nhà thuyền mở cửa theo giờ hành chính, giá thuê tính theo giờ. Mấy thằng chúng tôi cũng liều mạng thuê thử để bơi. Lúc đầu không biết chèo, thuyền xoay tít, chòng chành tưởng lật. May mà không sợ chết nên dần dần cũng bơi được ra xa. Đúng là: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. 
      Buổi tối, khi bóng đêm chiếm lĩnh những khoảng không gian bên hồ, các đôi trai gái ở khắp các xó xỉnh về đây tâm sự: Ngồi ghế đá, ngồi trên bờ hồ, ngồi trên thảm cỏ. Nhưng nhiều nhất có lẽ là đứng ở gốc cây. Tại đây, họ tâm sự, họ trò chuyện, họ làm gì gì nữa…. Thời điểm đó, bọn chúng tôi hầu như rất vô tư, trong sáng. Khi đi bộ qua nhưng đôi trai gái, chúng tôi đều lảng tránh, không nói chuyện, không nhìn ngó,, thậm chí còn chẳng dám ho???.Thế đấy, đúng là thế hệ “VÀNG MƯỜI” như anh Trần Đức Trung sau này nhận xét?
      Nằm sát phía bắc công viên là khu biểu diễn xiếc. Xiếc người, xiếc thú, rót rượu, lăn ống, đu dây, leo thang …đủ cả. Tuy nhiên, do giá vé quá cao, vượt quá khả năng tài chính của chúng tôi khi đó nên hầu hết mọi người chỉ xem được một vài lần để biết. Mà khi đó, chương trình cũng ít đổi mới.
      Sau này, góc đông bắc còn lắp đặt nhà gương dị dạng. Ban đầu cũng thu hút đông khách đến xem. Chẳng biết sau này có còn hay không???.
      À quên, khi đã quen với tác phong học đại học, công viên Lê nin cũng là nơi nhiều thằng chúng tôi ra học ôn thi. Vừa có đèn cao áp để đọc giáo trình, vừa yên tĩnh, có thể nói to, vung vẩy chân tay, thuyết trình. Lại nữa, những ghế đá được đèn chiếu sáng thì chẳng có ma nào ngồi chiếm chỗ nên chúng tôi là chủ. Thậm chí còn nằm ngửa mơ màng cũng chẳng sao? Ngày ấy, sao mà bình yên đến thế. Hỡi những thằng học trò khi ấy, hỏi ai còn nhớ???     

1 nhận xét:

  1. Ngày ấy bình yên vì cả dân tộc có niềm tin mãnh liêt "Người với người sống để yêu nhau". Chúng mình được chiêm nghiệm giai đoạn lịch sử độc nhất vô nhị của đất nước nên tâm tư, tình cảm cũng mang đặc thù riêng. Cám ơn bạn đã gợi lại những kỷ niệm thật ngọt ngào!

    Trả lờiXóa