CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

14/12/12

Kỷ niệm tân kỹ sư đi bộ đội- chuyện như bịa điểm danh cuối tuần

Trong khi cuối năm rất bận, tôi vẫn nhớ tháng 12 có ngày 15. Ngày này năm 1980, các kỹ sư mới ra trường của trường Đại học Bách khoa đi bộ đội, làm thành một trung đoàn đóng tại Mía, Ba Vì, Hà Nội. Sau này tôi làm báo, tiếp xúc với khá nhiều thông tin, biết khi nhập ngũ, có một kế hoạch rất hoành tráng, mà nhập ngũ 1-2 tháng rồi thì kế hoạch đó bị “treo”.  Từ Tết âm lịch trở đi, tình hình ở đơn vị đóng quân gần như không khí chợ chiều. Tất cả nghển cố lên đợi được phân công đi đâu. (Cho đến khoảng tháng 3/1981 gì đó thì chúng tôi mới được lệnh về các đơn vị, làm các việc của sĩ quan bình thường).
Một kỷ niệm tôi không bao giờ quên, khi còn đóng quân ở Trung đoàn 826, là chuyện điểm danh cuối tuần.

Nói thêm rằng, E826 là trung đoàn huấn luyện tân binh, nên cán bộ khung từ tiểu đội, trung đội hầu hết là hạ sĩ quan học chưa đến cấp 3 (phổ thông trung học), cán bộ đại đội hồi đó còn chưa có chuẩn hóa, nhiều anh còn chưa học trường sĩ quan chính quy và rất ít sĩ quan học đến lớp 10. Sau vài tháng “nắn gân” nhau, cán bộ khung mới vỡ lẽ đây là lứa tân binh đặc biệt, đã học sĩ quan dự bị rồi, chứ không phải loại tân binh mới bị bắt lính mới tò te, nên mọi việc huấn luyện cũng nhẹ nhàng. Qua Tết âm lịch, thì có vụ Thanh tra Bộ Quốc phòng lên thanh tra việc ăn uống, phê bình kỷ luật cán bộ, nên chế độ ăn có cải thiện. Vì trong đám lính có một số anh con Bộ, Thứ trưởng, con tướng, tá. Chúng nó về kể chuyện ăn đói cho bố mẹ chúng nó, rồi lại làm đơn tố cáo khắp nơi. Tân binh huấn luyện là binh nhì thì bao giờ biết làm việc động trời như thế.
Lệ thường lính cứ 21h30 là bắt đầu điểm danh. Ngày chủ nhật, nếu về HN chơi, muốn có mặt 21h30 ở đơn vị, phải đi từ Hà Nội 2h chiều, chen nhau khoảng 3-4h lên xe được là may, đến Sơn Tây khoảng 6-7 h, đi bộ 12 km vào đơn vị mới kịp. Sáng chủ nhật mới về sớm, đi chuyến xe đầu tiên, thì 9-10h mới tới Hà Nội, thế thì về HN chỉ kịp ăn bữa trưa rồi đi à? Cho nên, đám lính kỹ sư bắt đầu tính chuyện “ra đi đầu không ngoảnh lại” từ chiều thứ 7.
Trung đội tôi ở gần trung đội của ông bạn BK là NCT (Ngô Công Thành- Luyện kim). Trung đội NCT ở phía trên, tôi ở phía dưới sườn đồi. Áp dụng kinh nghiệm của các trung đội, đại đội khác, chúng tôi đặt vấn đề với cán bộ trung đội, xin phép vắng. Tất nhiên vắng thì khi lên thế nào cũng có quà là bao thuốc, hay cái gì đó vớ vẩn rẻ tiền thôi nhưng là có. Cán bộ trung đội nói thật là rất sợ cán bộ đại đội. Vì cứ khi điểm danh, thì cán bộ đại đội đến từng trung đội điểm danh. Chúng tôi bảo cán bộ trung đội: Dễ thôi, các ông đại đội cần điểm danh ư? Có ngay.
Giải pháp là thế này: Một cặp gần giống nhau, phải có nghĩa vụ làm “đổi công”. Tôi và NCT khi đó cao gần bằng nhau, gầy gò hao hao giống nhau. Tuần mà NCT nghỉ về HN, thì khi 21h30 điểm danh, tôi phải lên xếp hàng vào trung đội của NCT. Tôi còn nhớ rõ C trưởng cầm đèn bão, giơ cao, soi vào mặt từng người, suốt hàng quân. Khi vị B trưởng đọc tên, đến NCT thì tôi hô dõng dạc: Có. Thế là ông NCT có mặt ở đơn vị, còn ông NCT phân thân thì đang đọc thơ với em nào đó ở Hà Nội. Khi điểm danh, tất nhiên tôi bị vắng mặt ở trung đội tôi. Sau điểm danh tôi mới đến chỗ B trưởng, nói rằng đi đâu đó không về điểm danh kịp, thành khẩn nhận lỗi. Do cán bộ B thông đồng với đám lính rồi, thì lại càng không nói gì nữa.
Tuần sau, đến lượt tôi về HN, thì ông NCT phải đến trung đội tôi điểm danh. He he. Khi gọi NXH, ông NCT phải dõng dạc hô: Có.
Tình trạng đó diễn ra ở hầu hết tất cả các trung đội, đại đội. Hình như tráo nhau được 2-3 lần gì đó thì chuyện ma mãnh đó bị bại lộ. Toàn Tiểu đoàn báo động, may mà tuần đó cả tôi và NCT không bị gì. Những anh bị bắt gian lận sẽ bị kỷ luật rất nặng. Nhưng sau đó, trong số các anh bị kỷ luật đó, biết đâu bây giờ chả có anh lên cấp cao.
Sau này, khi phân về các đơn vị, có anh làm đại đội phó, đại đội trưởng, trung đội trưởng, đeo lon Thiếu úy, thì hãnh diện ưỡn ngực nói với lính: Mọi trò ma mãnh tôi đã trải qua rồi, tôi còn đẻ ra các trò mới mà các anh không nghĩ ra đâu. Và, lính vốn ít chữ hơn, lại non tơ hơn, thì sợ thủ trưởng một phép. (Nguyễn Xuân Hưng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét