CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

8/8/13

Cuối tuần ...nói chuyện thế giới?

Lời dẫn:E.Snowden được Nga cấp phép ti nạn tạm thời-Liệu có phải cuộc chơi "ngoại giao" của Người Nga?Người Nga bây giờ và Liên Xô trước đây thường được người ta gán cho cái tên "Ivan".Bản thân từ Ivan ngoài tính chân thật đôn hậu,song ít nhiều hàm chỉ cái khờ khạo.Vụ E.Snowden với Nga thời Putin thì hoàn toàn khác.Một sử lí ứng xử quá khôn ngoan:biến cái bị động do quả bóng Trung quốc đá sang,thành lợi thế của Nga.Nhân cuối tuần tôi đang lại nguyên văn bài viết của Lê Hùng đăng trên báo Đất Việt về câu chuyệnE.Snowden này.Thực ra chỉ muốn trích đăng,song lại sợ chưa hết ý,nên là cả bài viết vậy.Đặc biệt phần 3.nhỏ là rất đáng lưu tâm.

Bí mật Snowden: Vô nghĩa với tình báo Nga?

1. E.Snowden có quyền  và nghĩa vụ gì khi nhận quy chế tị nạn tạm thời?  

E. Snowden hàng năm phải trình diện Cơ quan lưu trú LB Nga, có quyền xin được gia hạn cư trú tạm thời hàng năm một nhưng phải chứng minh được lý do.
Một điều rất quan trọng là E.Snowden không có quyền đi nước ngoài, trong trường hợp anh này  vượt qua biên giới Nga thì mặc nhiên mất quyền tị nạn tạm thời. Một vấn đề nữa là theo luật về người tị nạn thì E.Snowden sẽ không bị đưa về quốc gia mà anh ta có quốc tịch nếu anh ta không đồng ý (Mỹ). 

E. Snowden, theo nguyên tắc trong trang 3 Công ước Châu Âu về quyền con người  (Nga đã ký công ước này) và một loạt các công ước quốc tế khác được hưởng sự bảo vệ của chính quyền Nga nếu anh này đối mặt với nguy cơ bị Mỹ  xử tù dài hạn hoặc tử hình. 
      
E. Snowden có quyền cư trú trên lãnh thổ Nga trong thời hạn một năm ở bất cứ nơi nào anh ta muốn (và tất nhiên là phải an toàn).
    
Về nghĩa vụ, E.Snowden phải cam kết không tiếp tục công bố các thông tin và có các hành động khác, nếu điều đó gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ.
Giấy chứng nhận tỵ nạn tạm thời trên lãnh thổ Nga cho Snowden. Mọi thông tin cần thiết đã được ghi (họ tên, ngày cấp, ngày hết hạn, số giấy ..)
Giấy chứng nhận tị nạn tạm thời trên lãnh thổ Nga cho Snowden. Mọi thông tin cần thiết đã được ghi (họ tên, ngày cấp, ngày hết hạn, số giấy ..)
2. Giá trị của E.Snowden đối với Cơ quan tình báo Nga
Mặc dù các thông tin mà E.Snowden cung cấp về việc Cơ quan an ninh Mỹ theo dõi thư điện tử, biết được mật khẩu của tất cả người sử dụng, nghe lén điện thoại... có thể gây sốc với cộng đồng quốc tế nhưng vấn đề này thực ra không có gì lạ. Xin trích nguyên văn lời của Phó giám đốc Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị Nga V. Anokhin:
“Nên quên tất các những quy tắc đạo đức trong hành động của mỗi quốc gia đi. Bất kỳ một chính phủ nào cũng đều mong muốn theo dõi tất cả và kiểm soát được tình hình. Vấn đề là ở chỗ khả năng kỹ thuật  (của chính phủ ấy) có cho phép làm được điều đó hay không.
Luôn luôn là như vậy. Các quốc gia đều muốn có thông tin về những nước láng giềng và muốn kiểm soát mọi công dân của mình”. Các tin tức trên báo chí mới đây về việc một loạt nước khác cũng nghe lén đã chứng minh cho nhận định trên (cũng có thể có ngoại lệ nhưng chắc không nhiều).
Mỹ là nước luôn đối mặt với nguy cơ khủng bố và nói như thủ tướng Đức A.Merkel thì hành động như vậy của cơ quan an ninh Mỹ (theo dõi, nghe lén..) trong một số trường hợp là có thể chấp nhận được. E.Snowden chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên chứ đứng về góc độ tình báo, thông tin này không có giá trị.
Tiếp theo, có thể E.Snowden còn một số thông tin tình báo có giá trị khác và không biết liệu Trung Quốc đã “mua” được chúng hay chưa. Về mặt kỹ thuật, rõ ràng E.Snowden là một nhân viên kỹ thuật giỏi, nhưng nên nhớ rằng các tin tặc Nga cũng không mấy kém cạnh.
Cũng có thể tình báo Nga sẽ khai thác được gì đó (như khả năng kỹ thuật, một số thông tin tình báo khác…) từ E.Snowden nhưng có lẽ đấy không phải là lý do chính của việc Nga cho E.Snowden tị nạn.
3. Tại sao Nga lại cho phép E.Snowden tị nạn tạm thời bất chấp các đề nghị lẫn đe dọa của Mỹ và sẽ được gì, mất gì?   
Cần phải nói ngay rằng, Tổng thống Nga V.Putin  không ưa gì E.Snowden. Vốn là một sỹ quan tình báo KGB, V.Putin rất dị ứng với những kẻ phản bội (E.Snowden- dù xét từ khía cạnh nào và mục đích của anh ra sao thì vẫn là một kẻ phản bội. Trước khi vào làm việc cho CIA chắc chắn anh này đã phải tuyên thệ. Việc anh ta đã làm là vi phạm những cam kết của chính mình. Như đã biết số phận các nhân viên tình báo Liên Xô và Nga hiện nay đào tẩu ra nước ngoài có khi kết thúc bằng một cái chết bí ẩn như Litvinhenko chẳng hạn sau khi đã nhận một án tử hình vắng mặt).
V. Putin đã có những phát biểu về việc E.Snowden xin tị nạn ở Nga. Ông nói nhiều ý nhưng nếu dịch ra ngôn ngữ đời thường cho dễ hiểu thì đó là: “Xéo nhanh cho rảnh mắt”.
Nhưng cuối cùng, Nga vẫn chấp nhận cho E.Snowden tị nạn (lẽ dĩ nhiên là phải được sự đồng ý của V.Putin). Có mấy lý do để Nga đi đến quyết định này. Thứ nhất, đó là vấn đề thể diện của Nga trên trường quốc tế. Nếu Nga trục xuất E.Snowden về Mỹ thì trong con mắt của nhiều nước Nga chỉ là quốc gia hạng hai, hành động theo chỉ thị của Mỹ.
Với việc cấp quy chế tị nạn tạm thời cho E.Snowden, Nga đã cho thế giới thấy chủ quyền và chính sách đối ngoại độc lập của mình (sau khi Trung Quốc đã tìm cách đá quả bóng E.Snowden sang Nga và một số nước Phương Tây dưới sức ép của Mỹ thậm chí đã chặn một máy bay của một nguyên thủ quốc gia để khám xét tìm Snowden, vi phạm các chuẩn mực bang giao quốc tế).
Tiếp nữa, việc Quốc hội Mỹ đòi “trừng phạt bất cứ quốc gia nào chứa chấp E.Snowden" là một giọt nước làm tràn ly.
Thứ hai, Nga đã từng đề nghị Mỹ ký thỏa thuận về dẫn độ tội phạm nhưng Mỹ đều từ chối và Mỹ cũng đã từng chứa chấp những người đã bị kết án ở Nga. Đây cũng là một dịp tốt để Nga gửi thông điệp không lời tới Mỹ và một số nước Phương Tây khác, nhất là Anh) về việc đã cấp quy chế tị nạn chính trị cho Berezovski, Litvinhenko, Kalugin, … mặc cho Nga phản đối và đòi dẫn độ về nước nhiều lần.
Thứ ba, sau khi E.Snowden đến Nga,  Trung tâm thăm dò dư luận “Leveda” của Nga đã tổ chức thăm dò ý kiến trong các ngày 18 đến 22/7 về việc có nên cấp quy chế tị nạn cho E.Snowden hay không. Kết quả có đến 51% số người ủng hộ và chỉ có 36% phản đối. Như vậy, giới lãnh đạo Nga có sự ủng hộ trong nước.
Thứ tư, việc Nga cấp quy chế tỵ nạn cho E.Snowden hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế (Công ước Đại hội đồng LHQ năm 1966, Công ước Châu Âu về quyền con người và phù hợp với luật pháp Nga). Mỹ không có cơ sở pháp lý nào để lên án Nga (thế cho nên chỉ bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc” chứ không phải là “lên án mạnh mẽ”).
Thứ năm, Còn nhiều vấn đề quan trọng hơn nhiều trong chương trình nghị sự và có ảnh hưởng lớn đến quan hệ hai nước (xin được trình bày ở phần sau).
Thứ sáu, Nga chỉ cho E.Snowden tị nạn tạm thời chứ không cấp quy chế tị nạn chính trị và cũng chỉ sau khi anh này cam kết là sẽ không làm điều gì tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Đấy có thể coi là một thỏa hiệp của Nga và làm nguội cơn tức giận của Mỹ. Thêm một chi tiết thú vị là nước Nga kể từ thời Gorbachev đến nay mới có một hành động như vậy.
Và cuối cùng, đây cũng là một thông điệp gửi tới các điệp viên tin tức tiềm năng của Nga về việc Nga sẽ bảo vệ họ nếu có điều gì đó xảy ra.
4. Mỹ mất gì sau vụ Snowden?
Vụ Snowden chứng tỏ một điều sau: Tổng thống  Mỹ B.Obama sẽ gặp khó khăn trong việc lái các sự kiện trên thế giới phát triển theo ý muốn của Mỹ.
Trước vụ Nga cấp quy chế tỵ nạn cho Snowden, Mỹ cũng đã thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc bắt giữ và dẫn độ Snowden về Mỹ (Trung Quốc khôn khéo tống khứ E.Snowden), thất bại trong việc thyết phục tướng As-Sisi ở Ai cập giảm sức ép lên Tổ chức Anh em Hồi giáo, thất bại trong việc thuyết phục Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai ngồi vào bàn đàm phán với Taliban, thất bại trong vụ thuyết phục Tổng thống Iraq Maliki đóng cửa không phận đối với các máy bay Iran. Vụ E.Snowden càng cho thấy một thực tế là  không phải Mỹ cứ “muốn gì là được nấy”.
Một nước đồng minh thân cận của Mỹ như Đức cũng đã tuyên bố hủy thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan đặc biệt giữa hai nước (ngày 4/8). Chắc chắn sẽ có nhiều nước nữa làm theo tấm gương này.
5. Liệu vụ Snowden có ảnh hưởng tới mối quan hệ Nga- Mỹ
Lẽ dĩ nhiên, Mỹ sẽ có những động thái nhất định để không mất thể diện. Thượng nghị sỹ J.MacCain cho rằng: “Hành động của Nga là một cái tát vào mặt tất cả công dân Mỹ” và đề nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt sau:
Mở rộng danh sách “Magnitski” (cấm các nhân vật vi phạm nhân quyền của Nga nhập cảnh vào Mỹ); Hoàn thiện tiến trình thành lập hệ thống NMD ở Châu Âu; Kết nạp Gruzia vào NATO; Hủy cuộc gặp V.Putin và B.Obama dự định vào mùa thu tới đây.    
Đấy mới là  ý kiến của J.MacCain và một số nghị sỹ Quốc hội khác. Còn về phía chính quyền B.Obama, như phát ngôn viên nhà trắng J.Carney đã nói thì: Mỹ không muốn vụ “Snowden trở thành vấn đề trở ngại trong quan hệ Mỹ - Nga”.
Có thể khẳng định, thời gian trước mắt quan hệ hai nước sẽ căng thẳng nhưng về tương lai dài hạn sẽ không có nhiều biến động (thực ra thì như Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Shumer mới phát biểu ngày 4/8 thì quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến nay).
Mỹ phải chấp nhận thực tế trên vì hai nước hiểu rõ ràng còn rất cần nhau trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng hơn như cuộc khủng hoảng Syria, hệ thống NMD ở Châu Âu, kiểm soát việc phổ biến vũ khí hủy diệt, cắt giảm vũ khí hạt nhân, vấn đề Iran, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, cân bằng chiến lược và mới đây nhất là vấn đề hợp tác khai thác tài nguyên và tránh đối đầu tại Bắc Cực.
Có thể trước mắt Mỹ sẽ có một số biện pháp trả đũa mà cụ thể là Tổng thống B.Obama sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh với V.Putin và tháng 9 tới dưới sức ép của các nhân vật diều hâu trong Quốc hội. Tuy nhiên, khả năng này cũng không nhiều.
Còn một chi tiết đáng chú ý nữa là trong cuộc họp báo mới đây, Tổng thống B.Obama đã từ chối không trả lời các câu hỏi của phóng viên về vụ E.Snowden và việc xem xét cấp quy chế tị nạn tạm thời của E.Snowden kéo dài hơn một tháng.
Không loại trừ khả năng là trong thời gian nói trên, các cán bộ ngoại giao hai nước đã trao đi đổi lại và thống nhất được phương án thỏa hiệp như trên. Nếu đúng như thế thì sẽ không có một phản ứng gay gắt nào từ phía Washinton đối với Nga.
6. Về tương lai của E.Snowden       
Trước hết, liệu E.Snowden có thể bị các cơ quan đặc biệt Mỹ ám sát hoặc tìm cách bí mật đưa ra khỏi nước Nga hay không. Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, một cái chết hoặc mất tích bí ẩn của E.Snowden sẽ làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ Nga- Mỹ, đồng thời sẽ tạo ra  một vụ scandal ầm ỹ và điều đó rất không có lợi cho Chính quyền B.Obama.
Hơn nữa các cơ quan đặc biệt Nga hiện chắc chắn đã có kế hoạch bảo vệ E.Snowden vì anh này đã nhận quy chế tị nạn. Khả năng này rất khó xảy ra.  
Thứ hai, như luật sư đã nói, E.Snowden hiện không còn nhiều tiền và cuộc sống ở Moscow là rất đắt đỏ (thứ 2 trên thế giới) nên buộc phải tìm việc làm (có tin là một người Mỹ ở Nga sẵn sàng giúp đỡ E.Snowden, và cũng có thể Cơ quan đặc biệt Nga cũng “giúp”). 
Điều này có lẽ không khó đối với E.Snowden với trình độ của anh ta. Nhưng rất khó để dự đoán được sau một năm nữa sẽ như thế nào dù cha của anh đã khuyên con là nên định cư ở Nga vì đó là nơi an toàn nhất.  
Thứ ba, E.Snowden không phải là điệp viên của Nga (cứ cho là như vậy vì nếu là điệp viên của Nga đào tẩu thì điểm đến đầu tiên phải là Moscow chứ không phải là Hồng Công) và như vậy chưa có công lao gì với Nga. Rất có thể, bằng khả năng (hoặc những tin tức có giá trị) anh này sẽ có đóng góp nhất định và sẽ được cấp quy chế tị nạn chính trị và sau đó nhập quốc tịch Nga.    
Chỉ chắc chắn một điều là anh này sẽ sống xa nước Mỹ trong một thời gian rất dài,  khó có thể tìm được một công việc có mức lương 200.000 USD/năm như trước đây và phải chuẩn bị để làm quen với mùa đông khắc nghiệt ở nước Nga.
Lê Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét