CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

22/11/12

Bài viết về tướng Phạm Quốc Trung!

Mặc dù ngày NGVN đã qua đi,bảng chữ chạy chúc mừng đã gỡ xuống,tác giả đăng lại các bài viết về thày Bá cũng xin kết thúc...song sẽ là thiếu sót lớn nếu không tìm những bài viết nói về các nhà giáo nguyên là cựu sinh viên hoá K20.Một trong những người đó là tướng Phạm Quốc Trung TBLL,đại tá Kỳ...nhiều bạn nữa trước cũng như hiện là quân nhân giảng dạy ở trường sĩ quan phòng hoá.Đã có phóng sự ảnh của một bạn lên thăm trường này.Tôi xin đăng lại bài viết về tướng Phạm Quốc Trung TLBĐHH nhân 53 năm truyền thống bộ đội hoá học19-4-1958 và 19-4-2011.

Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Bộ đội Hóa học "Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi"

ĐCSVN -
Thieu tuong, TS Pham Quoc Trung: Bo doi Hoa hoc 'Phong chong tot, chien dau gioi'



Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày truyền thống Bộ đội hóa học(19.4.1958 - 19.4.2011), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung, Tư lệnh Binh chủng Hóa học để tìm hiểu về những hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, quá trình khắc phục hậu quả chất độc hóa học và việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng tại Binh chủng Hóa học.

Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Có thể nói, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã không từ một thủ đoạn nào, hay một loại vũ khí dã man nào. Chúng đã tiến hành một cuộc chiến tranh hủy diệt môi sinh lớn nhất trong lịch sử nhân loại với việc sử dụng hơn 9.000 tấn chất độc CS và vũ khí, phương tiện chứa CS và nhiều loại vũ khí hóa học khác, hơn 74 triệu lít chất độc diệt cây (có nhiều nguồn số liệu còn cao hơn) mà lượng chất dioxin siêu độc trong đó đủ để có thể giết chết hàng chục tỷ người, nhằm đánh phá, hỗ trợ cho các hoạt động quân sự, làm tê liệt tiềm lực kháng chiến của ta. Chúng đã tàn phá môi trường và nòi giống Việt Nam với gần 18% diện tích đất miền Nam bị phun rải chất độc hóa học và gần 5 triệu nạn nhân chất độc hóa học/dioxin đang bị bệnh tật dày vò cho đến hôm nay và còn cả mai sau.
Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Lúc bấy giờ Bộ đội hóa học (BĐHH) đã quán triệt thực hiện tốt phương châm “Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, phát triển phong trào phòng hóa rộng rãi với nòng cốt là BĐHH để chống lại chiến tranh hóa học của địch”. Trên các chiến trường cả nước, cán bộ, chiến sỹ hóa học đã có mặt để tổ chức nghiên cứu nắm địch về hóa học, tổ chức huấn luyện, giới thiệu kinh nghiệm, hướng dẫn bộ đội và nhân dân biết cách phát hiện, phòng chống, khắc phục hậu quả bằng mọi loại phương tiện, vật chất có trong tay, ngay tại địa phương, nhằm bảo vệ tính mạng con người, gia súc, gia cầm, hoa màu, cây cối. Những hầm phòng hóa giản đơn, lều che, mái che nguồn nước, lương thực, thực phẩm, khẩu trang phòng độc, cách giải độc đơn giản, cách chặt lá, tỉa cành cho hoa màu nhằm giảm thiểu tác hại của chất độc hóa học... được phổ biến đến từng ngõ xóm, bản làng bằng tờ rơi, áp phích, loa truyền thanh, phóng thanh và được áp dụng ở mọi nơi miền Băc, miền Nam, giúp dân trụ vững, bám đất, bám làng, bám nương rẫy để duy trì sản xuất và kháng chiến.
Vào thời điểm đó trên chiến trường miền Nam, BĐHH đã tích cực đề xuất với các đơn vị chiến đấu chủ động triệt phá các kho tàng, phương tiện mang, chứa chất độc hóa học của địch, triệt để thực hiện cách đánh gần, đánh xen kẽ đội hình của địch, góp phần ngăn chặn, hạn chế địch sử dụng chất độc hóa học.
 V:
Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Lúc bấy giờ chúng tôi thực hiện chức năng vừa bảo đảm, vừa chiến đấu, vừa phòng, vừa đánh của BĐHH, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, hàng ngàn lượt chiến sĩ hóa học sau khi vượt Trường Sơn đã được biên chế thành các phân đội nhỏ súng phun lửa để phối thuộc cùng Bộ binh, Đặc công chiến đấu. Lịch sử BĐHH còn mãi mãi ghi đậm những chiến lệ điển hình của gần 430 trận bộ đội sử dụng súng phun lửa hiệp đồng đánh tập kích, phục kích, đánh địch trong công sự vững chắc, đánh giữ chốt, đánh bộ binh cơ giới địch... Để đạt hiệu suất chiến đấu cao, các chiến sỹ phun lửa đã sáng tạo cải tiến vũ khí, mưu trí, táo bạo, gan dạ đánh gần, sẵn sàng hy sinh để giành thắng lợi.
Có trung đội súng phun lửa hơn 30 người, đến ngày về chỉ còn vài ba đồng chí. Bộ đội súng phun lửa đã tham gia cùng các lực lượng chiến đấu, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thiêu cháy nhiều xe quân sự, hỏa điểm, hầm ngầm, lô cốt, kho tàng và các phương tiện chiến tranh, khiến quân thù khiếp đảm. Chiến công của các chiến sĩ phun lửa còn mãi mãi gắn liền với chiến thắng vang dội ở Đồng Xoài (1965), Làng Vây, Khe Sanh (1968), Đường 9 - Bắc Quảng Trị mùa khô năm 1966 -1967, Mặt trận 4 Quảng Đà năm 1969, Cánh Đồng Chum, Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Trị - Thiên năm 1972 v.v... Và cũng chính những chiến công đó đã sản sinh ra Anh hùng LLVTND chiến sỹ súng phun lửa Hoàng Văn Vẻ, Tiểu đoàn Hóa học 901 Anh hùng và nhiều Dũng sỹ diệt Mỹ, Dũng sỹ diệt xe cơ giới.
 ới cách đánh sáng tạo và đặc trưng riêng có, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, sử dụng khí tài phát khói ngụy trang, nghi binh cho các lực lượng của ta đánh địch có hiệu quả trên các chiến trường. Điển hình là các trận thả khói nghi binh cho pháo binh ta bắn vào căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên (3/1967) tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; là các trận thả khói nghi binh thu hút bom đạn địch vào trận địa giả ở Thạch Bàn, Rú Rưng, Vĩnh Linh (8/1967) và nhiều mục tiêu khác ở chiến trường Tây Nguyên, Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị hay trên tuyến vận chuyển chiến lược 559 v.v... Ở miền Bắc, với gần 400 trận thả khói ngụy trang, nghi binh, Bộ đội Hóa học đã dũng cảm chiến đấu dùng màn khói chống bom điều khiển bằng vô tuyến và bằng tia laze của không quân Mỹ, góp phần bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng như: Nhà máy điện-nước Yên Phụ, Thủy điện Thác Bà, các Nhà máy điện Uông Bí, Việt Trì, Đài phát thanh Mễ Trì, Các cây cầu Đuống, Đáp Cầu, Kỳ Lừa, Đa Phúc, Trung Giã, Phủ Lý, Hàm Rồng, đập Thác Huống, Trạm biến thế Ba La Bông Đỏ ...
Ở bất cứ đâu, cán bộ, chiến sỹ Hóa học đều phát huy tốt tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, không ngại hy sinh, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Dưới làn bom đạn địch, đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh cao đẹp, như liệt sĩ Nguyễn Văn Vi, Giang Lệ Bồng, thương binh Đặng Đình Thướng... Kỹ thuật và nghệ thuật sử dụng khói ngụy trang, nghi binh của BĐHH trong kháng chiến chống Mỹ đang tiếp tục được đúc kết, nghiên cứu, phát triển vận dụng để chống lại chiến tranh công nghệ cao của địch trong tương lai (nếu xảy ra).
PV: Quân đội Mỹ đã sử dụng hóa học trong chiến tranh dài nhất trong lịch sử, để tạo ra dư luận mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ đứng về phía nhân dân ta đấu tranh ngăn chặn hành động vô nhân đạo của địch, thực hiện chủ trương của Đảng đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao, BĐHH đã phối hợp, tham gia như thế nào?
Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Chúng tôi đã tham gia thu thập và cung cấp nhiều tư liệu, tài liệu, hiện vật cho Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam... và khẳng định những tư liệu, chứng cứ sinh động được công bố tại Tòa án quốc tế Co-pen-ha-ghen, Đan Mạch và trên các diễn đàn quốc tế ở Pháp năm 1968; Thụy Điển, Cộng hòa dân chủ Đức, Na Uy những năm 1969 -1972… cùng với các luật gia, nhà báo, các nhà khoa học quốc tế, kể cả ngay trong lòng nước Mỹ đã góp phần quan trọng làm thức tỉnh lương tri của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ buộc Mỹ phải hủy bỏ việc phun rải các loại chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam. Những tư liệu sinh động và đanh thép của mũi đấu tranh ngoại giao đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, phục vụ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin Việt Nam.
Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung:Ngay sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, dù đất nước tạm ngưng tiếng súng, nhưng cuộc chiến đấu của BĐHH vẫn rất quyết liệt. Đó là việc thu gom các loại vũ khí, chất độc hóa học, chất cháy của địch rải rác khắp chiến trường, cấp bách ngăn chặn, không để kéo dài hơn nữa tác hại của chúng đối với nhân dân. Chúng tôi đã phát hiện và xử lý hàng chục địa bàn có chất độc CS do Mỹ để lại trên khu vực Tây Nguyên như Đắc Min, E A-Súp, vùng thủy điện Yaly rộng lớn…Đây là địa bàn chính mà Mỹ rải chất độc CS ở nước ta, hiện còn khá nhiều thùng CS nằm sâu trong đất (chất này có thể gây ảnh hưởng rất nhiều năm). Người bị nhiễm chất CS, nếu nhẹ cũng là mất sức tạm thời, nặng hơn có thể loạn hô hấp, xung huyết, thậm chí tử vong. Biết là gian khổ, nguy hiểm, nhưng vì sự an toàn của nhân dân chúng tôi chấp nhận hy sinh, âm thầm, mải miết qua nhiều năm tháng để quyết trả lại màu xanh, sự sống cho quê hương.
Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Từ kinh nghiệm quý báu về phòng, chống chất độc hóa học trong chiến tranh, Bộ đội hóa học đã tích cực tham gia, xử lý nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, xử lý khắc phục sự cố rò rỉ hóa chất ở Nhà máy hóa chất Việt Trì, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy thuốc lá Thăng Long (Hà Nội); Nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và nhiều nơi khác. Những sự cố đe dọa nghiêm trọng đời sống cộng đồng, nhưng tất cả đã được các chiến sỹ Hóa học xử lý an toàn tuyệt đối.
Ở rất nhiều nơi, BĐHH đã giúp nhân dân và bộ đội xử lý nước sinh hoạt bị ô nhiễm; đã tặng dân nhiều bộ xử lý nước do chúng tôi sản xuất, giải quyết kịp thời nhu cầu cấp bách về nước sạch cho đồng bào ở những vùng lũ lụt nặng. Nhưng ấn tượng nhất, có lẽ là vụ xử lý dịch cúm gia cầm H5N1 những ngày Tết Giáp Thân năm 2004 ở Hà Tây. Một công ty đã chôn hơn 350 tấn gà cúm ở vùng khá gần khu dân cư, gây ô nhiễm nặng nề cả một vùng rộng lớn. Các cơ quan chức năng khi ấy vô cùng lúng túng cách giải quyết. BĐHH lặng lẽ ra quân, với những thiết bị, vật tư, hóa chất, không quản ngại nguy hiểm. Trong giá rét mưa dầm, với tinh thần “Vào cuộc, như bước vào trận đấu”, bộ đội đào lại từng hố chôn gà đã thối rữa để xử lý theo một quy trình an toàn, trả lại bầu không khí trong lành cho địa phương đón Tết. Đầu năm 2008, lại một chiến dịch xử lý ô nhiễm môi trường tương tự được BĐHH làm nòng cốt tiến hành tại Thanh Hóa khi dịch bệnh tai xanh làm chết hàng trăm ngàn con lợn; người dân thì chôn hủy không đúng quy trình, gây ô nhiễm nặng không khí và nguồn nước. Rồi lại có những “trận đánh” chẳng kém gì cuộc chiến với chất độc đi-ô-xin. Đó là việc xử lý khối lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu không chỗ đổ, hủy ở rất nhiều nơi. Lúc này đây, khi bài báo tới tay bạn đọc, mấy ai hay rằng BĐHH vẫn đang lặng lẽ trong những trận đấu quyết liệt với chất độc CS, với đất nhiễm dioxin ở nhiều địa phương phía Nam
Nói đến phóng xạ, chất độc, ô nhiễm... là người dân thường nghĩ ngay đến BĐHH. Chẳng hạn, theo hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cơ sở hoặc chính quyền các cấp nhưng khi người dân nhờ cậy, Binh chủng luôn xác định, lúc khó khăn, cam go, nhân dân nhờ đến mình thì mình phải sẵn sàng giúp đỡ. Ví dụ: Ứng cứu khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân có 5 nhóm tình huống. Nhóm 1,2,3 là do cơ sở quản lý, nhóm 4 thì quân đội mới phải hỗ trợ, nhóm 5 mới phải tham gia. Nhưng hiện tại, có khi mới mất nguồn phóng xạ ở cơ sở nào đó hay phát hiện nguồn phóng xạ trôi nổi, người dân đã “gọi” đến BĐHH. Hoặc các sự cố hóa chất cũng tương tự như vậy...
PV: Xin đồng chí cho biết về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng tại Binh chủng Hóa học?
Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Với đặc thù vừa là Binh chủng kỹ thuật bảo đảm phòng hóa cho toàn quân, vừa là đơn vị chiến đấu, Binh chủng có chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác bảo đảm phòng hóa, phòng chống vũ khí hủy diệt lớn cho lực lượng vũ trang và nhân dân, xây dựng lực lượng phòng hóa trong quân đội và chỉ huy lực lượng phòng hóa cơ động chiến lược của Bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ khác được giao. Với chức năng đó, chúng tôi là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Hiện nay, BĐHH là lực lượng tham gia ứng cứu và khắc phục sự cố hóa chất độc, nhiễm xạ, bảo vệ môi trường như cháy nổ, rò rỉ hóa chất độc – phóng xạ; tham gia điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường và là lực lượng nòng cốt khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường quốc gia, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh...
Với chức năng, nhiệm vụ trên, từ nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chúng tôi chủ động tiếp thu, nghiên cứu để đề ra tư tưởng chỉ đạo cho nhiệm vụ của mình, nhất là quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, từ các quan điểm đó, BĐHH phải quán triệt để hoàn thành vai trò của mình.
Hệ thống các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Đại hội XI liên quan mật thiết đến tình hình thực hiện nhiệm vụ của Binh chủng. Nghị quyết Đại hội XI nhận định và dự báo về xu thế thời đại, về tác động của xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đối với nước ta... Từ đó, chúng tôi phải chủ động nghiên cứu, liên hệ với các cơ quan chức năng, để làm giàu tính thực tiễn của thông tin, đồng thời đưa ra những dự báo liên quan đến nhiệm vụ của mình. Với cách nhìn trên, chúng tôi xác định việc quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ Quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Binh chủng giai đoạn 2011-2015.
Trong quán triệt Nghị quyết Đại hội XI lần này, chúng tôi rất quan tâm quán triệt nội dung, nhiệm vụ đó đến cán bộ, chiến sĩ trong toàn Binh chủng. Thực tế, vẫn còn tư tưởng cho rằng, công tác huấn luyện hiện nay là chỉ luyện tập để xử lý khi có tình huống chiến tranh. Với BĐHH, chúng tôi nhấn mạnh, cùng với quá trình huấn luyện là phải xử lý sự cố thật, tình huống thật. Đây là điều mà cán bộ các cấp trong Binh chủng phải làm cho toàn lực lượng hóa học được rõ, phải gắn liền huấn luyện với sẵn sàng chiến đấu, nhất là những vấn đề như ứng cứu thảm họa, chống khủng bố... ngay trong thời bình.
Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung:Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định chủ trương tiến lên hiện đại ngay một số lực lượng trong quân đội. Mặc dù Binh chủng Hóa học không có tên trong danh sách những binh chủng tiến lên hiện đại ngay, nhưng chúng tôi thấy trách nhiệm của mình trong đó rất lớn. Ví dụ, khí tài phòng hóa của bộ đội Hải quân, bộ đội Phòng không – Không quân tới đây sẽ rất đồng bộ hiện đại. BĐHH phải theo kịp để chỉ đạo khai thác, sử dụng, bảo đảm kỹ thuật. Hay như chủ trương xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, Binh chủng Hóa học phải tham gia. Thực tế, chúng tôi đã tham gia sản xuất một số loại khí tài phòng hóa hiện đại cho toàn quân và sẽ tiếp tục phải làm nữa. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định phải nắm vững định hướng công tác khoa học-công nghệ-môi trường; chú trọng nghiên cứu nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng và phát triển trang bị hóa học đáp ứng yêu cầu SSCĐ, gắn nhiệm vụ phòng hóa quân sự với tham gia phát triển kinh tế xã hội. Chủ động khai thác, phổ biến kịp thời các thông tin khoa học công nghệ về lĩnh vực hoạt động của Binh chủng; đẩy nhanh tiến độ biên soạn, chỉnh lý tài liệu, giáo trình huấn luyện, nhất là tài liệu huấn luyện vũ khí, khí tài mới.
Về yếu tố con người trong hiện đại hóa, chúng tôi xác định lấy việc nâng cao chất lượng, đặc biệt là chất lượng cán bộ kỹ thuật phòng hóa, phải làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội XI coi trọng việc mở rộng hợp tác quốc tế, đây là cơ hội mở ra cho chúng tôi nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Hiện nay, cán bộ kỹ thuật ở Binh chủng Hóa học có từ 4 nguồn: nguồn cán bộ trong nước gửi đi đào tạo ở nước ngoài; nguồn cán bộ của Binh chủng Hóa học gửi đi đào tạo ở các trường đại học hàng đầu trong nước; nguồn do Học viện kỹ thuật quân sự liên kết với Binh chủng hóa học đào tạo và nguồn từ sĩ quan dự bị từ bên ngoài. Để thu hút tốt 4 nguồn nhân lực trên, chúng tôi rất mong có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp trên. Mục tiêu phấn đấu của BĐHH những năm tới là: Xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc XHCN, với nhân dân; tinh thông chuyên môn, khả năng SSCĐ cao, có tổ chức hợp lý, trang bị ngày càng hiện đại, có tiềm lực khoa học công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng tinh, gọn, mạnh; xứng đáng là lực lượng chiến đấu tin cậy của Đảng, Nhà nước và Quân đội; là lực lượng nòng cốt trong lĩnh vực phòng hóa và tham gia bảo vệ môi trường sinh thái quốc gia, góp phần xứng đáng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Binh chủng Hóa học nhiệm kỳ 2010-2015 xác định 3 nội dung đột phá của nhiệm kỳ là: Nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên môn Binh chủng; xây dựng đội ngũ cán bộ phòng hóa chất lượng cao và tăng cường xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Tôi nghĩ, làm tốt 3 khâu đột phá đó chính là những giải pháp quyết định đến tiến trình xây dựng Binh chủng hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho.

Kính chúc các bạn Hoá K20 là nhà giáo nhất là nhà giáo hoá học.Chúc tướng Phạm Quốc Trung & các sỹ quan phòng hoá mạnh khoẻ,cống hiến được nhiều trong đào tạo sĩ quan hoá học cho quân đội & đất nước.

1 nhận xét: