CHÀO MỪNG...

Blog của tập thể K20 Đại học Bách khoa Hà Nội

19/1/15

Về một sự kiện lịch sử

Lời giới thiệu: Tôi nhận được thư của ông Trần Nhật Thăng, do xem Blog K20H mà có nhã ý gửi cho tôi bức thư, và ý tưởng làm một bộ phim về ngày 30/4/1975. Tôn trọng tác giả, bạn đọc nhiệt tình của blog K20, tôi xin đăng toàn văn bức thư của ông Thăng, ý tưởng kịch bản của ông. Âu cũng là cái duyên mà blog K20 làm cầu nối. Phần tôi, tôi sẽ trình bày ý kiến ở phần cuối bài
Đại tướng Dương Văn Minh
chuẩn bị đọc lệnh đầu hàng
"Thân gửi nhà văn, nhà làm phim, giám đốc hãng phim hội nhà văn. Nhân sắp đến 40 năm chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi gửi tới nhà văn ý tưởng kịch bản phim này. Trên tinh thần là những tầm nhìn của thời đại bây giờ, lịch sử đã tranh cãi rõ nhiều điều, chưa rõ nhiều điều... Nhưng hoàn hảo vẫn có thể chỉ là giả tưởng. Giải thích điều này lại quá dài, và không cần thiết. Ý tưởng kịch bản phim lần đầu tiên và duy nhất gửi đăng trên blog h20. Vì thống kê danh sách nghề nghiệp của K/S hóa K20, mới được lập là quá đủ nghề: Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, giám đốc phim... Tôi cũng xem rất kĩ các phim của HNV. Nhiều phim chính luận là rất hay, hấp dẫn... như Vượt qua bến Thượng hải. Đây là phim hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tiếc lại ở cái thời điểm, ông láng giềng hữu hảo, giúp đỡ xưa nay lại khiêu khích bởi dàn khoan 981, nên lan tỏa của phim bị hạn chế"
(Xin kính báo, Đài truyền hình Việt Nam, kênh VTV1 sẽ chiếu lại phim Vượt qua bến Thượng Hải vào ngày 01/2/2015, sau chương trình thời sự"


Bộ phim: Một cái kết hoàn hảo của lịch sử.
(Giả tưởng cho một kịch bản phim)
Khi Thế hệ 8X,9x hoặc thế hệ U 60-70 bây giờ, hóa thân thành: Bùi văn Tùng, Phạm xuân Thệ. Bùi Quang Thận, Vũ Đăng Toàn… có mặt tại dinh Độc lập từ 10 giờ 45 đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975.
Chính ủy lữ đoàn tăng 203 Bùi Văn Tùng, lệnh cho lái xe Jeep (lấy được của địch) lao thẳng vào sân và đỗ xịch lại. Cổng dinh Độc lập đã được Xe tăng 390 dưới sự chỉ huy của Vũ Đăng Toàn húc đổ. Những chiếc xe tăng đều quay nòng pháo ra phía đại lộ, trước  dinh. Là cấp bậc cao nhất, trung tá Bùi Văn Tùng vẫy đại úy Thệ, trung úy Thận… cùng hai pháo thủ tăng, AK 47 chỉnh tề, cờ quân giải phóng tiến lên tầng hai. Cùng lúc một nhân viên của dinh hớt hải từ tầng hai chạy xuống:
-”Thưa các ông,tổng thống Dương Văn Minh và bộ sậu của quốc gia, đang chờ các ông trong phòng khánh tiết để bàn giao…
Bùi Văn Tùng: ”Lực lượng bảo vệ dinh và tổng thống VNCH đâu?”
Ông Bùi Văn Tùng và nhà báo Đức Borries Gallasch
ngày 30/4/1975

“Da,thưa họ bỏ về hết rồi. Hiện chỉ là quan chức dân sự, đảm bảo với các ông không một vũ khí cá nhân có tại đây…
Ông Bùi Văn Tùng
sau 30 năm ngày 30/4/1975
Bùi văn Tùng: “Ông quay lên báo quân giải phóng sẽ có mặt và yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng vô điều kiện”.
Bùi văn Tùng: Họ là chính phủ dân sự, nên 2 đồng chí mang súng Ak bây giờ là chiến sĩ cảnh vệ cho cả hai phía. Một đồng chí đứng gác dưới chân cầu thang, một đồng chí cùng chúng tôi lên đứng gác ngoài cửa phòng khánh tiết, bảo vệ chúng tôi làm nhiệm vụ. Các đồng chí sĩ quan, chỉnh đốn trang phục, chúng ta là những người đầu tiên vào dinh Độc lập có đủ tư cách phẩm chất yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa đàu hàng và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ…
Cửa phòng khánh tiết mở toang. Bùi văn Tùng cùng các sĩ quan Thệ, Thận uy nghiêm bước vào. Tổng thống Dương Văn Minh và cả ekip chính phủ Việt Nam Cộng hòa bật đứng dậy chào.
Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi đại tướng Dương Văn Minh đứng đầu chính phủ VNCH, chờ đợi các ông ở đây để bàn giao…”
Trung tá Bùi văn Tùng: “Không phải là bàn giao, chúng tôi yêu cầu tổng thống và chính phủ VNCH tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”.
Tổng thống Dương Văn Minh: “Chúng tôi chấp thuận!”
Trung tá Bùi Văn Tùng, quay sang lệnh cho Phạm Quang Thận: “Đồng chí ra cổng, mời một nhà báo nước ngoài vẫn đang quanh quẩn ở đó, cho phép nhà báo vào tác nghiệp”.
Sau mới biết, anh ta là nhà báo  Borries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel). Mà cũng lạ giữa lúc tên bay đạn lạc như vậy họ vẫn cứ công khai tác nghiệp. Đành rằng tất cả có thể chỉ là vì tiền, những thước phim, tấm ảnh, bài viết của họ là vô giá song cũng thật thán phục?
Khi nhà báo Đức và trung úy Thận có mặt.
Bùi Văn Tùng: “Mời tổng thống Dương văn Minh và chính phủ VNCH lên hạ cờ VNCH. Việc này phải đích thân ông Dương Văn Minh làm. Có chữ kí của tổng thống VNCH để lưu lại lịch sử. Thượng cờ của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam VN do trung úy Phạm Quang Thận đảm nhiệm”.
Mọi việc diễn ra như vậy qua những thước phim màu ,ảnh màu của nhà báo Tây Đức.
 Trở lại phòng khánh tiết. Khi tất cả đã an tọa. Trung tá Bùi Văn Tùng: “Chúng tôi yêu cầu tổng thống Dương văn Minh, thủ tướng Nguyễn Văn Mẫu đến đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điêù kiện. Lời tuyên bố này được phát đi toàn thế giới”
Khoảng 12 giờ trưa, đại úy Phạm Xuân Thệ đưa tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Chiếc xe thứ hai chở trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Borries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel) và Hà Huy Đỉnh. Đến đài phát thanh Sài Gòn, trung tá Bùi văn Tùng thảo tuyên bố đầu hàng của chính phủ VNCH. Xem bản thảo trước khi đọc, Dương Văn Minh đề nghị: “Chỉ nói là đại tướng Dương văn Minh thôi”. Bùi văn Tùng nghiêm khắc: “Không được phải là tổng thống VNCH. Máu người Việt chúng ta đã đổ nhiều lắm rồi”. Tuy vậy vẫn không an tâm, Bùi Văn Tùng hỏi: “Vị nào có máy ghi âm.?​​​​​​​​ Nhà báo Đức: “Tôi sẵn có băng Cassete đây”. Dương Văn Minh phải đọc gián tiếp chứ không thể trực tiếp, trên sóng…
Hồi kết: Khi mà đại quân đã tràn ngập Sài gòn. Đội ngũ cảnh vệ chuyên nghiệp hộ tống Dương Văn Minh về nghỉ tại tư dinh: Biệt thự Hoa lan Sài gòn. Dương Văn Minh có gật đầu chào Bùi Tùng. Lần đầu tiên và duy nhất Bùi Văn Tùng đứng nghiêm chào đúng điều lệ QĐNDVN. Một cái kết hoàn hảo của lịch sử.
Chào!

Trần Nhật Thăng.

Ý kiến của Nguyễn Xuân Hưng: Việc làm phim về đề tài 30/4/1975, đã có nhiều kịch bản, trong đó có 1 kịch bản dựng thành phim "Giải phóng Sài Gòn", khoảng năm 2005 đã ra đời. Tuy nhiên, phim không có tiếng vang. Về phần ý tưởng kịch bản của ông Trần Nhật Thăng, đây chỉ là ý tưởng để làm nên một CHI TIẾT trong phim dựng lại MỘT TRƯỜNG ĐOẠN vào giờ phút lịch sử 30/4, để làm thành một bộ phim (dù tài liệu hay phim truyện) cũng còn đoạn đường gia công kịch bản vô cùng gian khổ nữa.
Tuy nhiên, nhân đây tôi cũng trao đổi tóm tắt về việc làm phim hay viết lại sự kiện lịch sử. Đó là ý nghĩa thời đại soi chiếu vào sự kiện. Cách đây 20 năm làm phim về 30/4 như đã biết, thì nay có lẽ sẽ không làm như vậy nữa. Sự kiện 30/4/1975, theo chiều dài lịch sử, các bí ẩn ngày càng phát lộ, thì có lẽ lại phải diễn giải khác. Ví dụ, nói về tổn thất của quân đội, ngày xưa không nói được, giờ nói ra được. Ví dụ 2: Vai trò của ông Dương Văn Minh, trước đây chỉ biết ông Minh là đại tướng Việt Nam cộng hòa, ngày nay, tôi nghe có vị lãnh đạo nói rõ nên trao huân chương cho ông Minh, vì ông Minh đã có sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân giải phóng từ trước năm 1975 rồi. Lại có người tranh luận không nên nói điều đó ra, sợ hạ thấp ý nghĩa chiến thắng. Thực hư chuyện đó thế nào, chắc lịch sử sẽ phán xét, thì nói về ông Minh cũng cần thận trọng. Ví dụ 3: Nói về phía VNCH, trước kia gọi là "ngụy", ngày nay các văn bản chính thức đều gọi là "Việt Nam cộng hòa". Ví dụ 4: Cuộc chiến hai phía sẽ được nhìn với con mắt khách quan hơn trước, thì sự kiện hiện ra sẽ khác trước... vân vân. Tóm lại, ngày hôm nay làm về sự kiện hôm qua, thì phải trả lời câu hỏi cái sự kiện ấy góp gì cho con đường hôm nay đi đến ngày mai. Trước đây, làm phim 30/4 một mức khắc họa chiến thắng giải phóng, tôi cho rằng, ngày hôm nay làm phim 30/4 phải nhấn mạnh cái giá phải trả của cả một dân tộc, tác động đến đại đoàn kết dân tộc, chứ làm phim 30/4 mà khoét sâu mâu thuẫn giữa cộng đồng người Việt với nhau thì không nên làm nữa. Ý tưởng của ông Trần Nhật Thăng cũng có thể là gợi ý cho một bộ phim theo hướng suy ngẫm về lịch sử như vậy.
Vài lời mạo muội chia sẻ như vậy, nếu có phần trái với ý các bạn, cũng xin chịu, vì chúng ta đều đã già, có gì nói được thì nói thôi, chân tình làm đầu câu chuyện.

1 nhận xét:

  1. Sau khi đăng bài, ông Trần Nhật Thăng tiếp tục gửi bàn luận về những việc xung quanh sự kiện 30/4, bàn về Hoàng Sa, Trường Sa... Chúng tôi ghi nhận, và xin đăng ý kiến của ông vào dịp 30/4. Xin chân thành cám ơn ông Trần Nhật Thăng, một bạn đọc nhiệt tình quý mến của Blog K20H (Nguyễn Xuân Hưng)

    Trả lờiXóa